Theo Shark Hưng, khi bắt đầu start-up, quan trọng nhất là chúng ta phải có mục tiêu, cũng giống như việc khi lên xe phải biết mục tiêu là đi đâu.
Lịch lãm, điềm đạm và dễ gần - ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group, tạo thiện cảm với người đối diện bằng cách nói chuyện cởi mở. Trò chuyện với Zing.vn, Shark Hưng tiết lộ chắc chắn sẽ tiếp tục gắn bó Shark Tank, đồng thời bày tỏ sự đam mê và hiểu biết sâu sắc với xe.
Với Shark Hưng, một người trẻ start-up bắt đầu với công việc kinh doanh của mình chẳng khác nào một người lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác lái xe. Không nhận mình tài hoa, nhưng Shark Hưng "cái gì cũng biết một ít" là điều khiến vợ ông bị chinh phục.
- "Cá mập" Hưng gắn bó với Shark Tank được mấy năm rồi? Ông sẽ tiếp tục chứ?
- Tôi làm từ mùa đầu tiên của Việt Nam. Tính đến nay là cả 3 mùa rồi. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục gắn bó với chương trình!
- Qua 2 mùa Shark Tank, cảm nhận của ông thay đổi thế nào khi ông đảm nhận vai trò là một nhà đầu tư và sau khi chương trình lên sóng?
- Khi nhận lời mời, tôi nghĩ chương trình này thiên về góc độ là một nhà đầu tư và là nơi tìm kiếm cơ hội mới của các bạn trẻ. Thế nhưng khi ghi hình thật, gặp các bạn trẻ thật, tôi phát hiện ra đây là sự chia sẻ hai chiều: các bạn trẻ tìm kiếm vốn, kinh nghiệm, còn tôi được nghe các bạn chia sẻ, được giao tiếp và thậm chí học hỏi từ các bạn. Tôi vô cùng bất ngờ khi những chia sẻ của mình được đón nhận một cách nhiệt tình và nồng nhiệt như vậy.
- Trên chương trình, ông có chia sẻ ông đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Đến giờ, ông ước tính mình đã trải qua bao nhiêu công việc khác nhau? Phải chăng những kinh nghiệm đó làm nên một Shark Hưng điềm đạm, có phong thái và có những chia sẻ được đón nhận nhiệt tình như vậy?
- Thật ra thì chắc là tôi chưa làm tới 10 công ty đâu. Nhưng trong mỗi công ty thì lại đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Thuở mới ra trường, tôi đi làm việc cho các hãng xe hơi. Ngoài lề chút, có lẽ làm cho các hãng xe nhiều nên tôi vô cùng thích xe hơi. Cũng có những thời điểm tôi chuyển việc liên tục bởi cảm giác mình cần sự thay đổi. Nhưng khi tìm được công ty thích hợp thì tôi cũng làm việc khá lâu đấy.
- Start-up hiện nay như trào lưu. Người người nhà nhà đổ xô khởi nghiệp. Ông có nghĩ rằng trước khi start-up để trở thành một ông chủ thì hãy bắt đầu trở thành một người đi làm thuê không?
- Thật sự là chúng ta hiện nay đang dùng từ khởi nghiệp để chỉ các start-up, nó cũng không thật sự chính xác lắm. Bởi vì chúng ta đang hiểu khởi nghiệp là bắt đầu có một doanh nghiệp riêng hoặc là chúng ta trở thành một CEO điều hành một doanh nghiệp. Nhưng thật sự hoàn toàn không đúng như vậy.
Khởi nghiệp nếu hiểu đúng thì nó là nghĩ ra một mô hình kinh doanh hoặc một sản phẩm hoàn toàn mới. Chúng ta khởi ra một cái nghiệp mới, khởi tạo ra một cái nghiệp mới. Start-up: “start” là bắt đầu, “start-up” là bắt đầu cất cánh. Để trở thành một start-up, một khởi nghiệp thành công thì cần rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là khả năng quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh ý tưởng xuất sắc, chúng ta phải có khả năng quản trị.
- Ông vừa chia sẻ ông là người yêu xe. Vậy thì ta làm một so sánh xe và start-up đi. Nếu như mà bây giờ coi một người trẻ start-up bắt đầu với công việc kinh doanh của mình như một người lần đầu tiên trải nghiệm cái cảm giác lái xe. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
- So sánh rất là thú vị đấy! Lâu nay người ta hay so sánh cái xe mới với lại cưới vợ hai; start-up chắc như đứa con vậy. Tôi nhớ hồi xưa khi bắt đầu mới tập lái xe hồi hộp vô cùng. Thật sự mà nói, tôi rất hay dùng 2 hình tượng này so sánh với nhau.
Khi bắt đầu start-up, quan trọng nhất là chúng ta phải có mục tiêu, giống như việc lên xe thì phải biết mục tiêu là đang đi đâu. Sau đó là xác định con đường nhanh nhất, tiết kiệm nhất để đến mục tiêu đó.
Doanh nghiệp hay start-up cũng giống vậy. Đầu tiên chúng ta phải xác định kế hoạch kinh doanh rồi lựa chọn đội ngũ làm sao và phương thức nào để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hành trình start-up qua lời của ông có vẻ như là chiếc xe leo đèo lội suối?
- Đúng, hành trình start-up rất là dài. Tôi có nói một câu ví von rằng là tiền cho các bạn start-up giống như là xăng cho các cuộc hành trình, đừng biến việc start-up thành một cuộc viếng thăm thường xuyên đến các cây xăng. Đường đi của chúng ta dài vô tận, không thể cứ liên tục cạn xăng được. Nhiên liệu đối với xe giống như nguồn lực đối với doanh nghiệp. Tiết kiệm nhiên liệu mà vẫn có thể đến được đích. Đó là mục tiêu.
- Khi không phải shark rót tiền đầu tư mà là “cá mập” đi mua xe, ông chọn xe như thế nào?
- Đầu tiên là tôi quan tâm đến tính năng. Trường hợp của tôi phải thường xuyên đi dự án đôi khi đi những cung đường hơi hiểm trở để khảo sát thực địa nên tôi thường chọn xe SUV kiểu như chiếc Ford Everest. Nhưng tôi phát hiện ra chiếc Ford Everest này sử dụng được cho hầu như mọi mục đích của tôi.
- Chiếc Ford Everest này có điều gì đặc biệt mà khiến ông thích thú đến vậy?
- Đây là một chiếc xe 2 cầu và 4 bánh chủ động toàn thời gian và phân bố lực điện tử. Do đó, nó sẽ tránh được các tình trạng giống như bị xoay hoặc bị trượt và những địa hình mà 4 bánh tiếp xúc không đồng thời với nhau, chẳng hạn như địa hình gồ ghề, phức tạp. Có những chỗ một bánh xe bị sa lầy thì những bánh xe khác vẫn được phân bổ hợp lý, tránh bị quay tròn. Phân bổ lực điện tử là tính năng khá mới của dòng xe bây giờ và Ford Everest không ngoại lệ.
Tôi từng có một chiếc Ford Everest đời trước, cái thời còn dùng hộp số 6 cấp, giờ đã thành 10 cấp rồi. Nhưng mà rõ ràng ngồi chiếc xe này bây giờ thật sự được cải tiến khá nhiều tính năng. Trong đó, một tính năng tôi vô cùng tâm đắc là dừng khi gặp chướng ngại vật. Thật sự nó giúp ích rất nhiều khi lái xe.
- Trong những năm qua, ông thấy rõ nhất sự phát triển nào của công nghệ xe?
- Thật ra tôi cũng giã từ sự nghiệp xe cộ 20 năm rồi. Xe mới bây giờ nhiều công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống điều khiển thông minh lắm. Xe hơi vào những năm 90 ở Việt Nam rất đơn giản. Ví dụ như hồi đó xe Ford mới chỉ có xe Laser, sau đó mới ra thêm Focus và đến Escape. Ford Escape thì còn là roof-rack chứ nó chưa phải là xe SUV như cái xe chúng ta đang đi đây.
Nhưng cái tôi thấy rõ nhất là sự tự động hóa. Phải nói là xe dòng Ford Everest này qua mỗi đời được cải tiến rất nhiều, thật sự là cải tiến mang tính đột biến đấy. Cách đây chục năm, tôi thấy Ford Everest trông hơi đơn điệu, thế nhưng quả thực bây giờ nó khác hẳn và nó làm thay đổi hoàn toàn cảm nhận về xe, cả về kiểu dáng lẫn tính năng rồi tốc độ trải nghiệm khi lái rất mượt mà.
Ngoài tính năng dừng tự động, tôi vô cùng ấn tượng với tính năng đỗ tự động. Do không có nhiều đất, bãi đỗ rất chật, kể cả góc cua để vào điểm đỗ lẫn kích thước các ô đỗ xe rất sát nhau.
- Được biết ông có đam mê tự lái xe đi du lịch, đi trải nghiệm, có kỷ niệm nào đáng nhớ liên quan đến xe mà khiến cho ông cảm thấy thú vị và nhớ đến về chuyến đi phượt của mình không?
- Có, tôi có chuyến đi Hà Giang, lên tận một vùng vừa cao vừa xa trên Si Ma Cai. Phải nói là chuyến đi rất kinh khủng vì đường xá phải chạy trên cái con đường gần như không có đường kiểu như trên lòng suối cạn. Xe dành cho những địa hình đó là xe phải là xe 2 cầu, xe phải có khả năng tự thoát sa lầy, phải thật khỏe không thì chịu.
- Những lần lái xe đi phượt ông có đi cùng vợ không?
- Đến đi công tác tôi còn có thể đưa vợ đi theo cơ mà.
- Nói vậy, ông không tách bạch cuộc sống cá nhân và cuộc sống gia đình? Làm sao để ông cân bằng giữa cuộc sống và công việc?
- Tôi nghĩ rằng là phải chia sẻ thôi - chia sẻ về mục tiêu, về ý nghĩa cuộc sống. Tối về nhà, tôi vẫn có thể vừa làm việc vừa chia sẻ công việc với vợ. Có những công việc, tôi có thể đưa vợ đi làm cùng. Ví dụ như vậy thì rõ ràng là công việc và cuộc sống không tách rời. Nếu chúng ta cứ về nhà thì không nói chuyện công việc, cố gắng tách rời ra như thế thì hơi căng thẳng. Quan trọng là làm việc nhưng vẫn phải để vợ vui.