Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sét đánh chết người không liên quan tới điện thoại di động

Sử dụng điện thoại di động lúc trời mưa giông không ảnh hưởng gì bởi sóng điện từ phát ra từ điện thoại rất yếu, không đủ để trở thành cột hút sét.

Từ đầu mùa mưa đến nay, liên tục xảy ra những tai nạn sét đánh, trong đó có nhiều trường hợp tử vong khi đang sử dụng điện thoại di động. Để hiểu rõ hơn các biện pháp phòng tránh sét cũng như việc có nên sử dụng điện thoại khi trời dông sét Zing.vn đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam).

40 người bị sét đánh trong một tháng

Từ đầu tháng 5 đến nay, cả nước có khoảng 40 người bị sét đánh, 10 người đã tử vong.

- Ngày 15/6 vừa qua đang chăn bò ngoài đồng, em Đỗ Trọng Vũ (Thanh Hóa) bị sét đánh tử vong, lúc này em đang sử dụng điện thoại. Xin tiến sĩ cho biết việc sử dụng điện thoại di dộng khi xảy ra mưa dông có nguy cơ gì?

- Tôi vẫn khẳng định vẫn có thể sử dụng điện thoại di động bình thường. Sóng điện thoại di động không thể hút sét. Đồng thời sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động rất yếu, không đủ để trở thành cột hút sét giống như nhiều người nghĩ.

Với trường hợp này chỉ là sự tình cờ. Nó còn liên quan tới bối cảnh, các em đứng vị trí gần tia sét không, điện trở như thế nào? Mọi người cứ nghe thấy sóng, thấy hút là lo sợ. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài họ cũng khẳng định sóng điện thoại di động là an toàn. Nếu cứ có sóng và hút sét thì tất cả các đài phát sóng tại sao họ không hút sét về hay bị sét đánh liên tục?

Sóng điện từ phát ra từ ĐTDĐ rất yếu, không đủ để trở thành cột hút sét - TS Nguyễn Xuân Anh
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động rất yếu, không đủ để trở thành cột hút sét. Ảnh: Thanh Tuyền.

 - Gần đây có trường hợp một người phụ nữ chết khi nghe điện thoại bàn. Nhiều nghi vấn do sét đánh hoặc điện giật, theo ông, lúc trời giông sét có nên sử dụng điện thoại cố định?

- Đúng là khi trời giông sét sử dụng điện thoại cố định có dây sẽ rất nguy hiểm. Sét có thể thâm nhập vào đường điện, cáp điện thoại và lan truyền khoảng cách xa. Vì vậy khi xảy ra dông sét tuyệt đối không nên dùng điện thoại bàn có dây.

Một số trường hợp, năng lượng tia sét không tiêu tán ngay tại chỗ mà truyền theo mặt đất. Khi nạn nhân đứng trên đường truyền đó có thể bị liệt. Sét cũng lan truyền khi nạn nhân nói chuyện điện thoại bàn có dây dẫn, cầm vào các dây cáp, dây ăng ten dẫn từ ngoài vào nhà.

- Ở Việt Nam, khu vực nào tập trung nhiều dông sét nhất?

- Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á. Một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt dộng dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài với số ngày dông trung bình khoảng 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ mỗi năm. 

Dông sét tại Việt Nam có thể xảy ra bất cứ khu vực nào, có thể kể tới một số khu vực tiêu biểu như ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội...

Có những nơi có số giờ dông nhỏ như Cam Ranh - Khánh Hoà (55 giờ/năm). Có khu vực đạt số giờ dông tới 489 giờ/năm như ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Cảnh báo sét rất khó

"Không chỉ Việt Nam mà thế giới rất khó dự đoán chính xác sét đánh vị trí nào. Bởi diễn biến của mây dông rất nhanh. Hiện, công nghệ ở Việt Nam đã có thể dự báo sét trước từ 30 phút đến 1 giờ" - tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh.

Dông sét các vùng khác nhau là do có sự phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau. Những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng (dòng không khí dưới mặt đất đi lên trên các tầng cao tạo ra một đường thăng - yếu tố chính tạo ra các đám mây dông trong cơn mưa).

- Các vụ tai nạn gần đây cho thấy ở các khu vực miền núi, nông thôn dường như có nguy cơ bị sét đánh nhiều hơn thành thị? 

- Điều này không đúng. Thông thường, sét đánh ở các đô thị nhưng nhiều người không biết do có các nhà cao tầng hút sét và thoát sét. Do đó, những nơi đô thị hoá càng mạnh thì thiệt hại về người càng ít.

Ở nông thôn, miền núi, nhiều khu vực người dân chưa quan tâm làm hệ thống chống sét nên có khi bị sét đánh thẳng vào nhà, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lý do chúng tôi khuyên người dân, nếu buộc phải di chuyển ngoài đường lúc trời dông sét thì nên đi vào khu vực có nhiều nhà cao tầng.

- Ông có thể tư vấn cho người dân những cách phòng chống “thiên lôi” trong những trường hợp cụ thể?

- Sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa dông sét nên người dân phải cẩn thận hơn, chịu khó theo dõi tình hình thời tiết.

Nếu đang ở trong nhà thì cần đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện. Tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước. Không nên dùng điện thoại bàn có dây. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Nếu đang đi trên đường, cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, khí lạnh, gió. Nếu chạy xe máy thì khi trú không đứng thành nhóm nhiều người gần nhau rất dễ thu hút sét. Áo mưa hay mũ bảo hiểm nhựa là vật cách điện khá tốt, cần tận dụng.

Mọi người cũng cần khẩn trương tìm chỗ khô ráo, người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm xuống đất.

Đặc biệt, khôngg đứng dưới gốc cây trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt; chạy ra khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương.

Trường hợp đang ở trong ôtô, tàu hỏa, cần tránh tuyệt đối không nhoài người ra cửa sổ, không chạm đến những thứ có vỏ bọc kim loại.

Thanh Tuyền (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm