Vì cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, nên những con người như Sergio Ramos luôn có đất sống. Như mặt trời vẫn mọc hướng Đông và lặn hướng Tây, số 4 cứ thế tồn tại.
Đồng hồ điểm 3 giờ sáng trên đất Kiev (Ukraine). Ramos tiến vào đường hầm sân Olympic, ngang qua khu vực "mixed zone", nơi có rất đông cánh phóng viên đang săn đón. Một đề tài nóng nhất được dành cho số 4: "Chấn thương của Mohamed Salah".
Một giọng nói vang lên, đến từ phóng viên của tờ The Independent: "Câu hỏi này cho truyền thông Anh". Sergio Ramos đáp lại bằng một nụ cười, anh trả lời "vâng", trước khi chỉ tay vào danh hiệu Champions League. Tất cả quá rõ ràng. Vì chức vô địch, người ta có thể làm mọi thứ.
Trong một khoảnh khắc, người Ai Cập bỗng chết lặng. Những trái tim đang hào hứng bỗng chốc tan vỡ trước chiếc màn hình TV 40 inch ở quán cafe nọ tại Cairo. Một điều gì đó bất thường đã xảy ra. Tiền đạo con cưng Mohamed Salah phải rời sân vì chấn thương. Anh bị trật bả vai.
Truyền thông Ai Cập sau đó nguyền rủa "thủ phạm" Sergio Ramos kịch liệt. Chỉ vài phút sau tình huống tranh chấp khiến Salah giàn dụa nước mắt rời sân, mạng xã hội ở vùng đất những Pharaoh dậy sóng. Những hashtag với nội dung chỉ trích ngôi sao xứ đấu bò liên tục xuất hiện.
"Kẻ bẩn thỉu", một người dùng Twitter chửi thẳng Sergio Ramos. Kẻ khác còn chế ảnh thủ quân Real Madrid mang bộ mặt quỷ dữ. Người lại đay nghiến con người đáng thương kia. Họ viết: "Chúc mừng Sergio Ramos. Mày giờ bị nguyền rủa bởi 100 triệu người" hay "Sergio Ramos, tao thề mày phải trả giá".
Hôm 29/5, tức sau trận chung kết Champions League vài ba ngày, một luật sư Ai Cập thậm chí nộp đơn kiện đòi cựu sao Sevilla bồi thường 1 tỷ euro cho Salah vì pha phạm lỗi thô bạo Điều này nghe có vẻ điên rồ, nhưng trở thành bằng chứng cho cơn thịnh nộ chưa thể nguôi ngoai của dân Ai Cập.
Real Madrid tạo ra kỳ tích với lần thứ ba liên tiếp vô địch Champions League. Nhưng giữa tông màu của sự thán phục, Sergio Ramos trở thành vết đen nổi trội. Thứ tình cảm ấy đến fan Liverpool, người Ai Cập và cho những ai căm ghét hậu vệ 32 tuổi. Anh như kẻ phản diện của thế giới bóng đá.
Trên tờ The Independent, nhà báo Miguel Delaney bảo rằng: "Sergio Ramos dù cố ý hay vô tình ở pha bóng dẫn đến chấn thương của Salah vẫn bị tòa án "online" kết án. Tất cả vì bản lý lịch của cựu sao Sevilla có quá nhiều vết nhơ".
Từ một kẻ láu cá, chơi bẩn đến thi đấu bạo lực..., mọi điều xấu xa nhất Sergio Ramos có tất. Một lần bị căm ghét, cả đời phải nhận sự oán ghét. Thủ quân Real Madrid là như vậy. Ngay cả khi đã gửi lời xin lỗi đến Salah, tất cả đều không tha thứ cho cựu sao Sevilla.
Trên báo Goal, cây bút Daniel Edwards mô tả chàng trai sinh trưởng nơi vùng Andalusia như gã tồi tệ khoác trên mình chiếc áo choàng đen. Một thứ hình ảnh phản bóng đá hiện đại. Nếu bóng đá như sàn diễn vở kịch câm, ngôi sao 32 tuổi sẽ vào vai phù thủy sử dụng nghệ thuật hắc ám.
Sergio Ramos thật sự là "bad boy" (gã trai hư) chính hiệu. Không tiểu xảo, chơi xấu, nóng nảy... đó sẽ không phải Sergio Ramos.
Tôn chỉ hướng đến cái đẹp trong bóng đá trở thành phương châm mọi đội bóng đang hướng tới. Với tất cả những tín đồ của môn thể thao vua, thứ bóng đá đẹp mắt, cống hiến và lôi cuốn người xem chính là điều họ chờ đợi và mong mỏi nhất. Thế giới cũng không ngừng nhân rộng tinh thần fair-play.
Tại Italy, Ban tổ chức đưa ra ý tưởng ra đời thẻ xanh vào năm 2015 nhằm tạo ra cuộc cách mạng về cách ứng xử cao đẹp trên sân cỏ. Động thái này để đưa bóng đá trở lại là một trò chơi vui tươi, chứ không phải trận chiến của mưu mẹo, tiểu xảo...
Giữa lúc thế giới muốn nhân rộng hành động đẹp trước nạn bạo lực bóng đá, Sergio Ramos lại đi ngược với xu hướng thời đại. Sau những gì thể hiện, một cầu thủ như ngôi sao Real Madrid, với lối đá đáng bị lên án, không nên xuất hiện thêm lần nào nữa trong tương lai của bóng đá.
Là cầu thủ, Sergio Ramos rất vĩ đại. Còn về nhân cách, anh xứng đáng bị căm ghét nhất. Ngoài chuyên môn không cần bàn cãi, hậu vệ 32 tuổi còn được xét vào một trong những cầu thủ có nhiều chiêu trò và tiểu xảo khi thi đấu.
Lúc cần làm giảm nhuệ khí đối phương, anh không ngại thực hiện cú tắc bóng quyết đoán, va chạm nảy lửa và thậm chí chơi xấu. Ở La Liga, bất kỳ ai cũng đều một lần đụng độ với Sergio Ramos.
Sự nghiệp của hậu vệ xứ đấu bò gắn liền với những tấm thẻ đỏ, như cựu tiền Manchester United Ray Wilkins từng mô tả, "cậu ta như tấm thẻ đỏ biết đi". Hơn một thập niên chơi bóng, chàng trai sinh ra tại thành phố Seville nhận đến 24 tấm thẻ đỏ.
Trên báo The Times, cây bút Matthew Syed thẳng thắn gọi người thủ lĩnh Real Madrid là "tay côn đồ". Bản chất của bóng đá là hướng tới giá trị cao nhất, một chiến thắng. Nhưng vì điều đó, Sergio Ramos không từ bỏ thủ đoạn nào.
Anh song phi triệt hạ Lionel Messi đầy bạo lực. Điều đó diễn ra không chỉ là một lần. Đã vậy, cầu thủ này còn tỏ ra xấc xược khi xô ngã Carles Puyol, bóp cổ Xavi và nhiều lần phạm lỗi đầy thô thiển với đối phương. Sergio Ramos làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi được chiến thắng của đội nhà.
Phong cách của ngôi sao xứ đấu bò toát lên khí phách dữ dằn, biểu trưng cho hình ảnh một kẻ ranh ma và đầy láu cá. Như vào đầu mùa giải, trận gặp Deportivo, trung vệ 32 tuổi vẫn tiếp tục chơi bóng bất chấp nhận thấy một cầu thủ đối phương nằm sân. HLV Zidane đứng rất gần, giọng thì kêu: "Sergio!"
Số 4 phớt lờ. Ngay cả khi Luka Modric đá bóng ra ngoài biên, Sergio Ramos nổi đóa, lao vào chỉ trích đồng đội. Anh nói rằng: "Bọn nó chơi không đẹp trước, thì sao chúng ta phải tôn trọng", để chỉ cầu thủ Deportivo không chịu dừng lại khi Dani Carvajal trước đó nằm sân vì chấn thương.
Trang 90min bình luận Sergio Ramos chơi bóng bạo lực, tiểu xảo... một phần do bị ảnh hưởng bởi môi trường. Ngày mới đến Real Madrid, hậu vệ người Tây Ban Nha sát cánh cùng Fabio Cannavaro, một người Italy chơi bóng theo trường phái hiện đại.
Lúc này, cầu thủ đứng ở hàng tứ vệ phải giỏi vận dụng tiểu xảo, sẵn sàng chém đinh chặt sắt hoặc đeo bám đối phương như hình với bóng. Nói chung, anh ta cần làm mọi cách để ngăn chặn đối phương ghi bàn. Thật trùng hợp khi này cũng thừa nhận bản thân học hỏi được rất nhiều từ Cannavaro.
Rồi sau này, thủ quân Real Madrid lại sát cánh cùng Pepe, "gã đồ tể" khét tiếng với lối đá chặt đinh chém sắt. Hậu vệ người Bồ Đào Nha trụ ở Bernabeu tới năm 2017, bỏ lại Sergio Ramos một mình đứng ở hàng thủ và trở người thủ lĩnh sử dụng nghệ thuật hắc ám.
Thứ bóng đá của Sergio Ramos rất tàn nhẫn. Nhưng chính môi trường nhào nặn ra con người như thế. Real Madrid như vùng đất hà khắc, sẵn sàng loại bỏ mọi quân bài vô dụng. Đội bóng cũng rất khao khát chức vô địch Champions League. Vì chiếc cúp tai voi, họ có thể đánh đổi tất cả.
Những điều đó tạo nên Sergio Ramos như hôm nay. Anh luôn phải vận động nhằm đáp ứng nhu cầu đội bóng. Đồng ý rằng bóng đá luôn được nhấn mạnh bởi tinh thần cao thượng. Nhưng Sergio Ramos dù cố hay vô tình trong pha bóng dẫn đến chấn thương của Salah cũng vì mục đích cơ bản. Anh muốn ngăn chặn đối phương ghi bàn.
Người ta liệu có thể kết án một cầu thủ như vậy? Khi bóng đá đã vượt qua khái niệm trò chơi hấp dẫn, những gì còn lại là toan tính, mưu mô. Và để tồn tại trong môi trường như vậy, một thiên thần đôi lúc cũng phải khoác áo xám.
Số 4 có thể là tay côn đồ với phong cách chơi bóng xấu xí, song chiếc mề đay nào cũng có hai mặt. Sau những giọt nước mắt trên gương mặt Salah là hình ảnh một Sergio Ramos bên kia chiến tuyến rất chuyên nghiệp. Đêm trên đất Kiev, người ta thấy một chiến binh bất chấp tất cả để giành chiến thắng.
Trên TheseFootballTimes, cây bút Eian Mctear cho rằng sẽ có ngày người ta dựng tượng Sergio Ramos ở Bernabeu. Anh xứng đáng hơn sự tôn vinh đấy rất nhiều sau những gì cống hiến cho Real Madrid và ĐTQG. Tuy nhiên, thật khó để viết lời tựa trên bức tượng đó, bởi số 4 để lại quá nhiều di sản.
Là hậu vệ, Sergio Ramos nằm trong số những người giỏi nhất, với sức chiến đấu bền bỉ, khả năng tranh chấp trên không và đọc tình huống cực tốt. Là thủ lĩnh, không ai lì lợm và dũng cảm hơn anh. Khi Real Madrid và ĐTQG cần một cá tính, Sergio Ramos đáp ứng mọi phẩm chất nhà lãnh đạo đích thực.
Là vị cứu tinh, ngôi sao 32 tuổi ghi bàn còn giỏi hơn cả tiền đạo. Trong sự nghiệp, số 4 ghi tới 76 bàn thắng, con số chỉ thích hợp với những cầu thủ tấn công. Có mùa giải ngôi sao người Tây Ban Nha ghi đến 10 bàn. Số phận đã quá ưu ái Sergio Ramos khi ban cho anh tài năng của một hậu vệ lẫn tiền đạo.
Một lần, Sergio Ramos kể lại ngày còn nhỏ anh đâu có chơi ở hàng thủ. Bản thân thích đá tiền đạo, và dĩ nhiên, ghi được rất nhiều bàn. Nhờ trải nghiệm ấy, Sergio Ramos trong vòng cấm địa đối thủ luôn rất nguy hiểm. Anh trở thành mũi tiêm kích trên không lợi hại, luôn có thể tạo ra đột biến.
Sergio Ramos cũng mang phong cách chơi bóng đầy hiện đại. Anh xuất phát trong vai trò hậu vệ cánh trước khi di chuyển vào trung tâm hàng thủ sau này. Trong vai trò mới, số 4 có nhiều thời gian quan sát mọi thứ trên sân, từ đó luôn có đủ thời gian để đưa ra giải pháp phù hợp, bao gồm cả lối đá xấu xí.
Sergio Ramos đứng giữa lằn ranh của yêu thương và thù hận. Người quý mến anh rất nhiều, kẻ căm ghét cũng không ít. Cuộc đời vốn dĩ vô thường như thế. Không ai có thể làm hài lòng tất cả. Như Cristiano Ronaldo từng nói, "ngay cả Chúa cũng không làm hài lòng được tất cả mọi người".
Nhưng một điều chắc chắn, tuyển Tây Ban Nha cần những cá tính như Sergio Ramos. Anh là biểu tượng của tinh thần khát khao chiến thắng đến mãnh liệt. Một hình mẫu dũng cảm, ngoan cường và rất gan lì. Hậu vệ xứ đấu bò không e ngại đối thủ xuất sắc hơn mình, anh sợ cảm giác bại trận.
Vì điều đó, Sergio Ramos trở lên lọc lõi và rất cáo già. Bóng đá không cấm những con người như vậy. Bản chất của môn túc cầu thời hiện đại đòi hỏi từng cầu thủ phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh. Chàng trai vùng Andalusia được sinh ra như vậy, với tố chất mạnh mẽ, dữ dằn đến tàn nhẫn.
Hè này, Sergio Ramos bước vào kỳ World Cup thứ tư trong sự nghiệp. Anh cũng trở thành cầu thủ duy nhất được giới chuyên môn nhận xét có cá tính bậc nhất ở tuyển Tây Ban Nha. Nhà cựu vô địch cần những cầu thủ có dũng khí, không biết sợ hãi như trung vệ 32 tuổi để làm nên chuyện tại giải.
Sergio Ramos là người dũng cảm, luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân. Cá tính mạnh mẽ của anh rất cần cho "La Roja" trên đất Nga khi họ mang đến giải đội hình đầy trẻ trung. Thậm chí, sự láu cá và ma mãnh của Sergio Ramos đôi khi rất phù hợp trong những giải đấu khắc nghiệt như World Cup.
Đặt trường hợp Tây Ban Nha phải đối mặt với một cầu thủ nguy hiểm bậc nhất và có tầm ảnh hưởng cực lớn đến lối chơi toàn đội như Mohamed Salah, đòn triệt hạ đối phương như đêm Kiev không chừng biến Sergio Ramos thành người hùng. Tuyển Tây Ban Nha nhờ đó lại tạo ra bước ngoặt lớn.
Hay như trong một pha tham gia tấn công vào cuối trận, Sergio Ramos tái hiệm khoảnh khắc khải huyền là cú đánh đầu làm tung lưới đối thủ như đêm Lisbon, theo đó hồi sinh đội nhà. Hậu vệ của Real Madrid đơn giản là cầu thủ vĩ đại về chuyên môn, hiếm có ai làm được như anh ở thời điểm này.
Một lần, tờ Goal mô tả tính cách của Sergio Ramos có thể không được lòng nhiều người, nhưng anh là cầu thủ được mọi đội tuyển khao khát. Và để phác họa chân thật nhất hình ảnh ngôi sao người Tây Ban Nha, bạn cứ liên tưởng đến bộ phim cao bồi viễn Tây nổi tiếng, "The Good, The Bad, and The Ugly".
Là hậu vệ, Sergio Ramos đang chễm chệ trong ngôi đền tôn vinh những con người hay nhất. Còn lối chơi, anh như kẻ phản diện chính hiệu của bóng đá. Và cuối cùng, Sergio Ramos hiện thân cho những gì xấu xí nhất giữa trào lưu chuyển động của bóng đá thế giới, với sự ma mãnh, lọc lừa đến khó chịu.