Trong đoạn video đăng tải trên website chính thức ngày 14/4, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết hệ thống tên lửa phòng không FK-3 không phải mối đe dọa tới các nước láng giềng mà phần lớn là thành viên NATO, theo South China Morning Post.
"Không thể nói rằng chúng tôi đe dọa họ bằng vũ khí phòng thủ bởi đây là hệ thống phục vụ phòng vệ chống lại tên lửa dẫn đường và máy bay xâm phạm không phận Serbia", ông Vucic nói.
Tổng thống Vucic khẳng định việc Serbia mua tên tên lửa phòng không FK-3 là quyết định "hợp pháp, hoàn toàn bình thường và minh bạch". Ông Vucic cũng kêu gọi các láng giềng như Montenegro hay Kosovo chấp nhận quyết định của Serbia.
Tên lửa FK-3 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Trước đó, Tổng thống Montenegro Milo Djukanovic và nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti bày tỏ quan ngại rằng tên lửa của FK-3 tạo ra đe dọa an ninh cho các nước trong khu vực.
Dù không ám chỉ trực tiếp tới hợp đồng mua sắm tên lửa, Tổng thống Djukanovic nói rằng Serbia đang mua vũ khí từ các nước "là kẻ thù công khai của NATO và châu Âu".
Serbia nộp đơn xin gia nhập EU từ 2012. Nước này hiện là một ứng cử viên cho quy chế thành viên EU. Sau khi tên lửa được Trung Quốc chuyển giao, chính phủ Đức đã phản ứng.
"Chính phủ Đức kỳ vọng các ứng viên xin gia nhập EU cùng thực hiện các chính sách an ninh và đối ngoại chung của khối", tuyên bố của chính phủ Đức cho biết.
Việc Serbia mua các tên lửa phòng không FK-3 làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Balkan, nơi từng là chiến trường đẫm máu các cuộc chiến thanh trừng sắc tộc trong thập niên 1990, kết thúc với sự tan rã hoàn toàn của các nhà nước Liên bang Nam Tư và Serbia - Montenegro.