Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp VAMC: 'Nợ thì xấu nhưng nhiều tài sản rất đẹp'

Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy cho rằng, tuy là nợ xấu nhưng có nhiều tài sản rất đẹp, có giá trị và tiềm năng để đầu tư.

Đó là thông điệp do chính vị thuyền trưởng của VAMC đưa ra trước đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài tại Hội nghị chuyên đề về bất động sản do Hiệp hội thương mại Australia (Auscham) vừa tổ chức tại Hà Nội.  

Những cam kết tỷ đô

Tổng giám đốc VAMC cho biết, trong vòng hơn 1 năm thành lập, VAMC đã gom được gần 3 tỷ USD nợ xấu từ các ngân hàng, kế hoạch trong năm 2014 này số nợ xấu được gom sẽ lên tới khoảng 5 tỷ USD. Bằng việc gom lại số lượng tài sản khá lớn, một thực tế dễ nhận thấy là nợ xấu ở các ngân hàng Việt Nam đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cho rằng nợ xấu mới chỉ được gom về VAMC chứ vẫn chưa được coi là xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC.

Ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Thủy, việc giảm được nợ xấu của toàn khối ngân hàng, làm cho các ngân hàng bình tĩnh trở lại, đủ dũng khí để tiếp tục phục vụ nền kinh tế, đó cũng được coi là liều thuốc đáng khích lệ cho nền kinh tế. Hiện VAMC đang làm nhiều cách khác nhau để kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận và đầu tư vào các dự án, tài sản trong danh mục của VAMC, vị này cho biết thêm.

Cũng theo tiết lộ từ Tổng giám đốc của VAMC, hiện VAMC  đang quản lý khối tài sản rất lớn, thậm chí lớn rất nhanh như: Nhà máy, khu đô thị, cảng biển, khu công nghiệp, các tòa nhà dở dang…  

Nhiệm vụ của VAMC là hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan đến các tài sản.  Đồng thời, VAMC cũng có nhiệm vụ làm cho giá trị của các tài sản đó lên cao hơn nữa bằng cách bỏ tiền vào để đầu tư, hoàn thiện các tài sản. “Cách thức đầu tư có thể trực tiếp bằng tiền của VAMC hoặc kêu gọi các nhà đầu tư chung sức bỏ vốn đầu tư vào dự án để cùng kinh doanh với VAMC”, ông Thủy kêu gọi.

Ông Thủy cũng cho rằng, các nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào Việt Nam thực tế không có điều gì vướng mắc lớn cả. Bởi lẽ, chỉ khi người nước ngoài mua tài sản để thành sở hữu riêng thì mới bị vướng còn đối với các nhà đầu tư vào hoàn thiện và kinh doanh các dự án đó thì không có gì vướng cả. Ví dụ như, có thể vào đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị… thì nhà đầu tư chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp để phát triển dự án. VAMC có trách nhiệm hoàn thiện pháp lý cho dự án, việc phát triển và kinh doanh dự án sẽ theo chiến lược riêng của nhà đầu tư.

Thậm chí, VAMC cam kết, nếu nhà đầu tư nước ngoài có vướng mắc trong việc phát triển dự án sau khi mua lại, VAMC sẽ đồng hành với nhà đầu tư trong việc tháo gỡ các vướng mắc này, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Theo vị lãnh đạo của VAMC, cam kết này cũng đã được chính Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu của VAMC.

Tạo cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư lớn

Một nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn về việc cơ sở pháp lý nào cho việc nhà đầu tư ngoại có nhu cầu mua cả lô (mớ) dự án của VAMC theo dạng đầu tư tài chính chứ không đơn thuần là mua dạng dự án đơn lẻ.

Ông Thủy cho biết, đây là một vấn đề rất mới đối với Việt Nam trong vấn đề xử lý tài sản thuộc nợ xấu tuy nhiên không có nghĩa là Việt Nam không làm được. Bởi lẽ, theo ông Thủy, khi quyết định thành lập VAMC, vấn đề này cũng đã được đưa ra để bàn bạc tìm phương hướng giải quyết trong trường hợp gặp phải. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, nếu có một nhà đầu tư như vậy với yêu cầu mua 1 lô dự án, VAMC cứ mạnh dạn trình lên Chính phủ để giải quyết từng vấn đề cụ thể nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo chia sẻ từ ông Thủy, sau hơn 1 năm thành lập, VAMC cũng đã tiếp xúc với khoảng 40 nhà đầu tư lớn có quan tâm đến các tài sản là dự án của VAMC. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, VAMC vẫn chưa nhận được một lời đề nghị nào về việc mua cả lô dự án. Chủ yếu các nhà đầu tư vẫn tập trung vào danh mục đầu tư của họ.

Một nhà đầu tư khác cũng tỏ ra nghi ngại về tính pháp lý của VAMC khi một tài sản được cho là đẹp khi ra khỏi book nợ xấu của ngân hàng và về tay VAMC thì tính pháp lý và tính sở hữu liên quan đến tài sản đó có được đảm bảo.  Điều này sẽ ảnh hướng rất nhiều đến quyết định đầu tư vào các dự án.

Ông Thủy khẳng định, đối với các tài sản thuộc diện nợ xấu, trước đây các tổ chức tín dụng chính là chủ nợ nhưng nay thì VAMC sẽ là chủ nợ. Còn về tính sở hữu, trước khi được bán thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người vay hoặc người bảo lãnh. "VAMC có toàn quyền trong việc bán các loại tài sản này đồng thời cũng có trách nhiệm sang tên cho các nhà đầu tư mới sau khi mua", ông Thủy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại diện VAMC, vấn đề sở hữu đối với 1 dự án ở Việt Nam phải tuân theo những quy định cụ thể của pháp luật, việc đầu tư hoàn thiện và kinh doanh dự án đó là quyền của nhà đầu tư. Việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho dự án thuộc trách nhiệm của VAMC.

Ông Nguyễn Quốc Hùng làm chủ tịch VAMC

Thống đốc ngân hàng Nhà nước vừa có quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC từ ngày 15/5.

 

http://bizlive.vn/ngan-hang/sep-vamc-no-thi-xau-nhung-nhieu-tai-san-rat-dep-407850.html

Theo Vũ Minh/ Diễn đàn đầu tư

Bạn có thể quan tâm