Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp quỹ ngoại: Chứng khoán có rào cản ngắn hạn nhưng định giá hấp dẫn

Giám đốc đầu tư VinaCapital tin rằng thị trường trong ngắn hạn còn nhiều bất định nhưng định giá chứng khoán Việt Nam đang rẻ cho dài hạn.

Tại Hội nghị nhà đầu tư năm 2022, bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital - nhìn nhận thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đang có nhiều rào cản mạnh.

"Đó là căng thẳng địa chính trị phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao… gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư", bà nói trong chuỗi hội nghị có sự tham gia của gần 100 nhà đầu tư trên thế giới.

Cụ thể, lạm phát dâng cao ở các nước đã buộc các ngân hàng trung ương đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt thay vì nới lỏng như giai đoạn Covid-19. Điều này không có lợi cho thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân là nó sẽ làm tăng chi phí vốn của các doanh nghiệp đang đi vay nợ, qua đó tác động xấu đến lợi nhuận doanh nghiệp và buộc phải tăng mức chiết khấu trong các mô hình định giá.

chung khoan,  ba Nguyen Hoai Thu,  VinaCapital anh 1

Sếp VinaCapital nhận thấy chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều rào cản trong ngắn hạn. Ảnh: T.L

Thêm nữa, kinh tế toàn cầu đang bị chậm lại và mấp mé bờ vực suy thoái cũng không có lợi cho kinh tế Việt Nam, bởi độ mở của nền kinh tế trong nước khá lớn với tổng giá trị giao thương lên đến 200% GDP.

Cuối cùng, bà Thu cho rằng việc siết chặt quản lý và thanh lọc thị trường chứng khoán, trái phiếu đã làm chậm lại quá trình huy động vốn nhằm mở rộng kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, dưới góc độ nhà đầu tư chuyên nghiệp và tầm nhìn dài hạn, sếp quỹ ngoại đánh giá đây là điều rất tích cực vì mang lại môi trường đầu tư lành mạnh hơn và tăng tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

"Trong khi nhà đầu tư cá nhân thì bị ảnh hưởng tâm lý lớn hơn, thể hiện qua dòng tiền và thanh khoản giảm mạnh", bà Thu lưu ý thanh khoản dù giảm vẫn gấp 3 lần so với trước Covid-19.

Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng tại một số nước Đông Nam Á từ đầu năm 2022 nhưng thị trường Việt Nam vẫn bị bán ròng khoảng 57 triệu USD sau 9 tháng, đưa tỷ lệ sở hữu của nước ngoài giảm xuống và nhiều công ty đã hở room ngoại.

Giám đốc đầu tư của VinaCapital nhìn nhận những rào cản ngắn hạn đó lại là cơ hội cho đầu tư dài hạn, bởi mức chiết khấu về định giá tính P/E tương lai của thị trường Việt Nam đang rẻ hơn so với khu vực.

Bà Thu thông tin: "Định giá tại các thị trường Thái Lan, Indonesia, Philipine có mức chiết khấu 12% so với trung bình 5 năm, còn Việt Nam hiện là 36% cho thấy chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn tương đối".

Trong khi đó, quỹ ngoại dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của khối doanh nghiệp niêm yết Việt Nam là 19%, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Với những phân tích kể trên, chuyên gia VinaCapital kỳ vọng chứng khoán Việt Nam còn nhiều cơ hội đầu tư ở những công ty niêm yết có sự cải thiện về vấn đề quản trị, tốc độ tăng trưởng hấp dẫn.

Các ngành quỹ ngoại dự báo có tăng trưởng tốt như công nghệ, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển... Nhóm ngân hàng và bất động sản dù còn một số rủi ro nhưng vẫn đáng quan tâm. Nhà đầu tư được khuyến nghị phải chọn lọc cổ phiếu trong từng ngành.

Thực tế, lợi tức từ việc nắm giữ cổ phiếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng trong vòng 10 năm gần đây cho thấy mức hấp dẫn tương đối của việc nắm giữ cổ phiếu so với gửi tiết kiệm.

"Dù ngắn hạn vẫn còn nhiều bất định nhưng đây là thời điểm hấp dẫn để nắm giữ cổ phiếu cho dài hạn, với tầm nhìn 5-10 năm", bà Thu kết luận.

Chứng khoán lại bị bán tháo

Áp lực bán tháo quay trở lại sau phiên hồi phục, VN-Index mất gần 30 điểm để rơi về mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm