Sếp ngoại của VietjetAir: 'Rẻ không có nghĩa là chưa tốt'
Ông Pritam Singh - Phó tổng giám đốc VietjetAir cho biết, câu ví von "giá máy bay rẻ hơn tô phở" của hãng này gắn với những hình ảnh đời thường và gần gũi với người Việt.
- VietjetAir chính thức khai trương đường bay chưa được bao lâu, công việc phía trước chắc chắn còn bộn bề. Với cương vị điều hành, ông làm thế nào để sau giai đoạn “khởi động”, VietjetAir có thể tăng tốc một cách hiệu quả nhất?
- Đúng là phía trước còn rất nhiều việc phải làm và giờ đây chúng tôi đang bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Bạn thử quan sát nơi làm việc của chúng tôi xem có gì lạ không? Ở đây, tất cả chúng tôi, không phân biệt nhân viên hay lãnh đạo, đều ngồi làm việc quây quần bên nhau. Không gian này, không khí này đã cho tôi cảm giác rất cởi mở và thân tình. Từ đó, tôi có thể hỗ trợ, giải quyết ngay những khó khăn hay vấn đề phát sinh mà cấp dưới gặp phải. Ngược lại, với anh em nhân viên, họ cũng sẽ cảm thấy thoải mái thật sự khi gặp và báo cáo công việc với lãnh đạo.
Từ những việc nhỏ nhất, VietjetAir muốn xây dựng nên văn hóa công ty dựa trên sự hòa đồng, cởi mở để từ đó có thể kích thích niềm đam mê, sự sáng tạo của đội ngũ, nhất là các nhân sự trẻ. Chúng tôi đã xác định: Ban lãnh đạo công ty chỉ là người truyền lửa và VietjetAir chỉ thành công khi có sự đóng góp từ khối óc đến bàn tay của các nhân sự trẻ.
Ông Pritam Singh - Phó tổng giám đốc điều hành VietjetAir |
- Trong các hoạt động quảng bá, VietjetAir đã được định vị là một hãng hàng không giá rẻ và một hãng hàng không thế hệ mới. Vậy, khái niệm “giá rẻ” và “thế hệ mới” ở đây nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Khái niệm “giá rẻ” và “thế hệ mới” mà VietjetAir đưa ra có ý nghĩa bổ sung cho nhau. “Giá rẻ” được hiểu là mức chi phí thấp nhất sau khi giảm trừ tất cả mọi chi phí của các dịch vụ cộng thêm chưa cần thiết, để có được mức giá hợp lý nhất cho người sử dụng và tăng hiệu quả tối đa cho nhà cung ứng. “Thế hệ mới” được VietjetAir đưa ra khi chúng tôi muốn chứng minh rằng: Không phải cái gì rẻ cũng là chưa tốt!
Khi định vị là hãng hàng không thế hệ mới là chúng tôi muốn thể hiện phương châm hoạt động của tập thể VietjetAir: Luôn phải nghĩ, phải làm, phải hành động trước một bước để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng. Cụ thể là, từ khi chính thức khai thác đường bay đến nay, hơn 98% chuyến bay VietjetAir đều đảm bảo yếu tố đúng giờ (tất nhiên ngoại trừ điều kiện khách quan do ảnh hưởng của thời tiết). Điều này chắc chắn sẽ được VietjetAir tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Tại VietjetAir, Phòng Chăm sóc khách hàng là một trong những bộ phận được quan tâm nhiều. Chúng tôi luôn lắng nghe những ý kiến phản hồi từ khách hàng và cố gắng hoàn thiện dịch vụ của mình mỗi ngày.
- Thời gian qua người tiêu dùng đã khá ấn tượng với mẫu quảng cáo “vé máy bay rẻ hơn tô phở” của VietjetAir. Phải chăng Hãng chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình?
- Mục tiêu phục vụ của chúng tôi là những người chưa có điều kiện đi máy bay; những khách hàng đi máy bay thường xuyên và quan tâm đến sự gọn nhẹ, tiện lợi, tiết kiệm chi phí; các bạn trẻ... Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến đối tượng khách hàng thuộc giới doanh nhân. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chậm nhất là tháng 10 năm nay, chúng tôi sẽ chính thức đưa ra loại vé dành cho doanh nhân. Khi làm thủ tục tại mặt đất, họ có phòng chờ hạng thượng gia.
Khi lên máy bay sẽ có khoang buồng riêng và được phục vụ theo đúng tiêu chuẩn của hạng thương gia. Và, điều quan trọng nhất, khác biệt nhất là giá vé hạng thương gia của VietjetAir rất cạnh tranh! Khi nói “vé máy bay rẻ hơn tô phở”, chúng tôi muốn ví von dịch vụ của mình bằng những hình ảnh khá đời thường và gần gũi với người Việt Nam. Hơn nữa, trên thực tế, nếu hiểu theo nghĩa đen, giá vé máy bay của VietjetAir thời gian qua cũng rẻ hơn một tô phở thật!
Hàng ngàn người đã sở hữu chiếc vé máy bay chỉ từ 10.000-19.000 đồng thông qua các chương trình khuyến mãi. Điều quan trọng hơn là khi VietjetAir mở đường bay quốc tế trong thời gian tới thì chúng tôi có thể kết hợp quảng bá được một món ăn truyền thống của Việt Nam.
- Quyết định gắn bó lâu dài với Việt Nam đến với ông khi nào?
- Từ trước khi tôi kết hôn. Tôi thấy mình hợp với không khí, cách sống của các bạn và thích làm việc ở Việt Nam. Ở đây, tôi thực sự được thoải mái.
- Thử so sánh một chút, phong cách làm việc của người Singapore và Việt Nam có gì khác nhau? Những khác biệt về văn hóa, giao tiếp... giữa hai đất nước có làm ông gặp khó khăn trong quá trình điều hành?
- Về cơ bản, nhịp độ sống và làm việc của người Singapore nhanh hơn so với người Việt Nam. Nhưng “đổi lại”, người Việt Nam lại sống tình cảm và nhẹ nhàng hơn. Người Việt Nam thường đem cảm xúc vào công việc, trong khi chúng tôi thì rất ít. Tiếng Việt có câu “giận quá mất khôn”. Tôi đã gặp nhiều trường hợp người Việt Nam ra quyết định quan trọng trong lúc nóng giận, hoặc trong lúc bản thân bị xúc động mạnh nhất. Theo tôi, như vậy là không nên, không phải lúc. Tại sao lúc đó chúng ta không bỏ đi, rồi 5 phút sau trở lại vấn đề cũng đâu có muộn?
Tôi chưa thấy khó khăn gì khi giao tiếp hay trong ứng xử với các cộng sự Việt Nam. Có thể do trước khi đến Việt Nam tôi có tìm hiểu kỹ về văn hóa ứng xử của các bạn. Trong suốt quá trình làm việc tại đây, tôi luôn quan sát kỹ để tự học hỏi và tìm cách thích nghi. Tôi là người thân thiện, dễ hòa nhập mà (cười lớn).
- Trong điều hành công việc cũng như khi thương thảo với khách hàng, đối tác, nguyên tắc mà ông luôn tuân thủ là gì?
- Với các mối quan hệ trong công việc cũng như cuộc sống, tôi đều hướng đến hai chữ “điềm tĩnh”. Bạn đừng nghĩ là tôi có sẵn đức tính này nhé. Cha mẹ chỉ cho tôi một chút thôi, phần còn lại là tôi tự “tích góp” cho mình đấy. Có nghĩa là, sự điềm tĩnh trong hành xử không tự nhiên mà có mà phải được rèn luyện mỗi ngày. Dĩ nhiên là không dễ, nhưng chỉ cần mình ý thức đó là điều cần thiết thì sẽ làm được thôi.
Tôi lấy một ví dụ nhỏ: Có lần tôi đi công tác ở phía Bắc, vào một nhà hàng dùng bữa trưa. Một người trong đoàn cần một chén nước tương, nhưng gọi đến vài lần mà anh phục vụ vẫn chưa hiểu. Mọi người bắt đầu cảm thấy khó chịu. Lúc đó, tôi chủ động đứng lên, vào thẳng khu vực bếp, chỉ ngay món nước chấm mà mọi người đang cần. Tôi làm được chuyện đó là bởi vì trong lúc mọi người cảm thấy khó chịu, thì tôi vẫn rất... bình thường. Anh phục vụ chưa hiểu rõ ý khách là do văn hóa vùng miền khác nhau.
Ngoài Bắc họ gọi nước tương với nhiều tên khác nhau mà. Tất nhiên, chuyện nhỏ này không phải chỉ mỗi mình tôi biết, nhưng có thể do lúc đó mọi người đã để cảm giác khó chịu bao phủ, nên không nhớ ra. Bạn thấy đấy, từ một chuyện rất nhỏ thôi, nhưng nếu không có điềm tĩnh thì ta cũng khó đạt được mục tiêu.
- Vậy, với nhân viên của mình, ông đã tập cho họ cách “điềm tĩnh để đạt mục tiêu” như thế nào?
- Không bằng lời nói mà bằng hành động. Mỗi ngày, qua công việc, tôi cùng tập với mọi người. Tôi muốn mọi người trong công ty cùng nhìn nhau và cùng tự điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn