Các nhà nghiên cứu Australia cho biết, thử nghiệm này nhằm xem xét tác động của loại chuối mới lên mức vitamin A trong cơ thể người.
Dự án đã lên kế hoạch trồng thử loại chuối đặc biệt giàu alpha và beta carotene - những chất sẽ được cơ thể người chuyển hóa thành vitamin A - tại Uganda vào năm 2020. Những quả chuối biến đổi gen hiện đang được gửi tới Mỹ, và kế hoạch thử nghiệm mức tăng vitamin A từ loại chuối này trong sáu tuần sẽ sớm triển khai.
Loại chuối được biến đổi trông không khác gì chuối thường, nhưng bên trong quả chuối thiên về màu da cam hơn là màu kem. |
"Khoa học có thể mang tới những thay đổi đáng kể bằng việc thay thế các loại cây trồng chủ lực, ví dụ như cây chuối ở Uganda, bằng loại chuối mới có thể cung cấp nhiều vitamin A hơn, nhằm mang các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng tới cho những khu vực dân nghèo, những người nông dân tự cung tự cấp," Trưởng dự án, giáo sư James Dale cho biết.
Dự án được thực hiện bởi Đại học Công nghệ Queensland (QUT) và được hỗ trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates với hy vọng có được những kết quả thuyết phục vào cuối năm nay. "Chúng tôi biết rằng nghiên cứu của chúng tôi sẽ có tác dụng," giáo sư Dale nói. "Chúng tôi đã nghĩ ra ý tưởng, làm ra bộ gen để đưa vào quả chuối, và đưa bộ gen đó vào ngay tại Đại học Công nghệ Queensland".
Dale cho biết, chuối là một loại thực phẩm chủ lực ở vùng cao nguyên Đông Phi, tuy nhiên chuối được trồng tại đây lại có mức vi chất dinh dưỡng thấp, đặc biệt là các chất tạo ra vitamin A và sắt. "Hậu quả của việc thiếu vitamin A là rất thảm khốc, với 650.000 - 700.000 trẻ em tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, và ít nhất 300.000 em bị mù", ông cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã quyết định rằng làm giàu dinh dưỡng cho các loại thực phẩm chính là cách tốt nhất để giúp giảm thiểu vấn đề này. Loại chuối được biến đổi trông không khác gì chuối thường, nhưng bên trong quả chuối thiên về màu da cam hơn là màu kem. Giáo sư Dale cho rằng khác biệt nhỏ này sẽ không gây ra vấn đề gì.
Ông cho biết, một khi loại chuối biến đổi gen này được cho phép canh tác thương mại ở Uganda, thì công nghệ trên có thể được mở rộng tới những quốc gia khác, bao gồm Rwanda, một phần Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya và Tanzania.
"Nông dân ở Tây Phi trồng chuối mễ, và việc áp dụng công nghệ tương tự với loại chuối này là hoàn toàn có thể," giáo sư Dale chia sẻ.