Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ xử phạt vụ biến heo thành thịt bò

Những người ngâm thịt heo vào dung dịch đỏ để biến thành thịt bò, lạc đà... sẽ bị xử phạt tội làm hàng giả theo Luật hình sự Việt Nam.

Sẽ xử phạt vụ biến heo thành thịt bò

Những người ngâm thịt heo vào dung dịch đỏ để biến thành thịt bò, lạc đà... sẽ bị xử phạt tội làm hàng giả theo Luật hình sự Việt Nam.

Ngày 13/1, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trạm trưởng trạm thú y huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết hầu hết các thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành đều nhận định hành vi biến thịt heo không nguồn gốc thành thịt lạc đà, đà điểu, cá sấu, nhím, nai, bò... của ông Nguyễn Văn Thắng (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B) có dấu hiệu làm hàng giả. Đoàn đề nghị huyện Bình Chánh xem xét và xử phạt theo hành vi này.

Trước đó, đoàn kiểm tra phát hiện ông Thắng đã ngâm thịt heo vào dung dịch màu đỏ để “biến” thành thịt lạc đà, đà điểu, cá sấu, nhím, nai, bò... Tùy vào màu và độ săn cứng của thịt sau khi ngâm, ông Thắng phân loại thành thịt lạc đà, đà điểu, cá sấu, nhím... rồi cho vô bao bì. Đoàn phát hiện có trên 240 kg thịt heo chờ “tẩm” dung dịch, hơn 410 kg thịt heo đã “ngấm” dung dịch, đóng thành khay, chờ phân loại; 20 kg đang ngâm; 6 kg thành phẩm đã đóng gói ghi thịt lạc đà, đà điểu, cá sấu, thịt nai... đựng trong các bao bì của các công ty ở Củ Chi, Sóc Trăng, Bình Thuận... Ông Thắng khai mua thịt heo khoảng 60.000 đồng/kg nhưng khi thành các loại thịt “đặc sản” sẽ bán khoảng 200.000 đồng/kg.

 
“Đặc sản” dỏm và thịt heo ngâm dung dịch đóng thành khay, chờ phân loại thành thịt lạc đà, đà điểu, cá sấu…

Theo ông Nguyên, vì chưa rõ loại dung dịch màu đỏ mà ông Thắng sử dụng để ngâm thịt heo là gì, tác hại ra sao nên cơ quan đã gửi mẫu dung dịch trên để xét nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết, vì lợi nhuận nên nhiều người bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, sử dụng các loại hóa chất cấm. Muốn biết dung dịch màu đỏ dùng ngâm thịt heo là gì phải xét nghiệm mới kết luận được mức độ nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, một khi thịt ngâm vào hóa chất thì khó tránh khả năng gây hại cho người sử dụng.

Theo một luật sư, Luật hình sự Việt Nam quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm… thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Trong vụ ngâm hóa chất này, ông Thắng đã có dấu hiệu phạm tội này nhưng cơ quan chức năng phải xác định tính chất, mức độ, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi để xử lý. Theo thông tin trên báo, cơ quan chức năng chỉ phát hiện có 6 kg thịt bị giả tên nguồn gốc nên khó truy cứu ông về tội này. Nếu không xử phạt hình sự, ông Thắng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt có thể đến 30 triệu đồng.

Theo Pháp luật TP.HCM

Theo Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm