Trong tháng 12, Zing đã phản ánh 2 trường hợp người dùng nhận đá cuội, hộp bút màu khi mua iPhone. Trước đó, nhiều vụ tráo hàng tương tự đã xảy ra, khiến người dùng cảm thấy bất an khi mua hàng giá trị trên Internet.
Trong khi sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc dịch vụ vận chuyển thường đứng ra chịu trách nhiệm khi hàng hóa bị đánh tráo, các shop kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng xã hội lại chưa có trách nhiệm cụ thể về tình trạng này. Lỗ hổng trong khâu kiểm hàng, giao hàng đã giúp kẻ gian trục lợi.
Khách hàng mua iPhone nhưng nhận được cục đá. Ảnh: K. Phụng. |
Trả lời Zing, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết hoạt động mua bán trên mạng xã hội khá phổ biến, song chưa được điều chỉnh, quy định cụ thể.
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT. Đề xuất này đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 7/10/2020.
Cụ thể, 4 chính sách được thông qua bao gồm:
- Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.
- Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội.
- Quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.
Trong những vụ tráo hàng vừa qua, đa số trường hợp nạn nhân không mua hàng qua sàn TMĐT mà mua từ các shop trên mạng xã hội theo hình thức chuyển khoản nhận hàng, không có chính sách bảo đảm nếu xảy ra sự cố.
Việc iPhone bị tráo thành cục đá, hộp bút màu có thể do các lỗ hổng trong khâu đóng gói, chuyển hàng về kho, lúc vận chuyển, giao tới người dùng...
Theo đại diện Cục, dự thảo theo hướng tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT, xác định người tham gia hỗ trợ hoạt động TMĐT để phân định trách nhiệm khi giao hàng, bao gồm cả chủ thể kinh doanh dịch vụ logistic.
Mặt khác, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc chủ sở hữu website phải công bố điều kiện giao dịch chung liên quan đến chính sách kiểm hàng, đồng thời bổ sung các quy định về minh bạch thông tin, hàng hóa trên website. Các sàn TMĐT cũng có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin trong trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết hoạt động mua bán trên mạng xã hội khá phổ biến, song chưa được điều chỉnh, quy định cụ thể. Ảnh: Lê Trọng. |
Dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến công khai, dự kiến hoàn thiện và được trình lên Chính phủ ban hành vào quý I/2021. Đại diện Cục khuyên người dùng thận trọng khi mua hàng trên môi trường TMĐT.
Những việc cần làm khi mua hàng TMĐT có thể kể đến như nếu mua hàng qua mạng xã hội, người dùng nên yêu cầu shop cho xem hàng trước khi thanh toán, đồng thời cần chụp ảnh ngoài hộp, mua bảo hiểm cho những món hàng có giá trị lớn. Với các cửa hàng uy tín, người dùng có thể không đồng kiểm nhưng cần quay video mở hộp để chắc chắn rằng mình không tráo sản phẩm bên trong.
Nếu mua ở các sàn TMĐT, người dùng cần kiểm tra mã vận đơn trên hộp, khớp với thông báo đơn hàng được gửi qua email hay ứng dụng của các sàn, xem đánh giá của người bán để đảm bảo độ uy tín.