Theo ông Phan Trung Lý, đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về chế độ chính trị (Chương I) của Dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến về tên nước (Điều 1) như lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Song, “qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
“Qua nghiên cứu, xem xét nhiều mặt, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, ông Lý báo cáo trước Quốc hội trong sáng nay.
Vẫn theo lời ông Phan Trung Lý: “Tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chương VI về Chủ tịch nước có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước; nghiên cứu để quy định rõ đầy đủ, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch nước về mối quan hệ của Chủ tịch nước đối với hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy theo quy định tại Điều 86 thì Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại; các nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện vị trí, vai trò của Chủ tịch nước đã được quy định tại các điều 88, 89, 90 và 91 của Dự thảo.
“Các quy định này nhằm bảo đảm để Chủ tịch nước thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của mình, qua đó, phản ánh mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, ông Lý phát biểu.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp cũng đề nghị Quốc hội giữ quy định thẩm quyền phong, thăng quân hàm cấp tướng và tương đương gắn với vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước như Dự thảo.
Thẩm quyền phong, thăng hàm cấp tướng được quy định tại điều 88 của Dự thảo Hiến pháp quy định: Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân,…