Trong một loạt những động thái cải cách thuế, hải quan mà Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính liên tục sửa đổi trong thời gian gần đây, ngoài những cải cách về thủ tục hành chính, dự kiến Bộ Tài chính sẽ đề xuất Quốc hội cắt giảm, dỡ bỏ một số loại thuế, phí bất hợp lý, cụ thể là dự kiến sẽ bỏ mức “trần” khống chế 15% đối với tất cả các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại của doanh nghiệp, không “giữ” lại việc khống chế riêng chi phí quảng cáo nữa.
Nói với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi liên quan đến thuế, phí để Chính phủ lên Quốc hội (tháng 10/2014) ban hành Nghị quyết sửa đổi. Trong đó, bộ đề xuất bỏ mức khống chế 15% tổng số chi được trừ đối với chi phí khuyến mại, tiếp thị, hội nghị, khánh tiết. Song theo lời ông Tuấn tại hôm đó, riêng chi phí quảng cáo bị khống chế 15% tổng chi phí khấu trừ sẽ không thay đổi.
Tại một triễn lãm về quảng cáo. |
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi qua điện thoại hôm qua 8/9, ông Phạm Đình Thi - Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) xác nhận rằng, ngoài những nội dung đã chuẩn bị như ông Tuấn nói, Bộ Tài chính sẽ đề xuất bỏ luôn mức khống chế chi 15% cho quảng cáo, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng quảng bá hình ảnh, năng lực cạnh tranh... Nếu Quốc hội thông qua điều này thì sự lắng nghe, tiếp thu, sửa đổi dù muộn của những người làm chính sách với cộng đồng doanh nghiệp đáng được trân trọng.
Bởi lẽ, ngay từ khi đưa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ra sửa đổi tháng 6/2013, đã có hàng trăm cuộc hội thảo góp ý, trong đó đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải dỡ bỏ trần các chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị. Thực chất, các chi phí này đều được tính vào chi phí bán hàng, giá vốn của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp phải tự tính toán, điều chỉnh, cân đối; nếu đẩy mức chi lên cao, giá bán cao thì sức cạnh tranh kém. Vì thế, việc e ngại doanh nghiệp lợi dụng chính sách, hạch toán không đúng, đẩy chi phí quảng cáo, ảnh hưởng đến thu ngân sách là chưa có cơ sở.
Thậm chí, theo khảo sát của Bộ Tài chính, thì tại 50 quốc gia được khảo sát, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc khống chế mức chi tiếp thị quảng cáo. Song Trung Quốc khống chế mức 15% trên tổng doanh thu, chứ không phải 15% trên tổng chi phí được khấu trừ như Việt Nam. Riêng một số mặt hàng như mỹ phẩm, đồ uống... Trung Quốc cho phép khấu trừ 30% doanh thu hàng năm. Số vượt mức sẽ được khấu trừ vào các năm tiếp theo.
Luật sửa đổi khi thông qua đã giữ nguyên mức khống chế chi phí quảng cáo đối với doanh nghiệp, cho dù chỉ có 66,41% số phiếu xin ý kiến tại Quốc hội nhất trí việc giữ nguyên ấy. Trong khi đó lại không khống chế một số khoản chi cũng mang tính quảng cáo, tiếp thị như: chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội trợ, triển lãm; mà bản chất các khoản chi này chính là chi phí quảng cáo.
Song dù muộn còn hơn không. Khi “trần” khống chế chi phí quảng cáo được dỡ bỏ, sẽ có rất nhiều lợi ích khác như tăng thu ngân sách, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp; chẳng hạn như việc các doanh nghiệp trong nước gia tăng hoạt động tiếp thị, bán hàng, cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề sẽ tạo ra nhiều chi phí ở các kênh thu thuế khác cho ngân sách như thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, nó còn khích lệ các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất ở Việt Nam thay vì nhập khẩu. Vì nếu còn rào cản về khấu trừ thuế cho các chi phí quảng cáo, tiếp thị thì chi phí sản xuất trong nước sẽ bị đội giá so với nhập khẩu hàng thành phẩm, vốn đã được nước ngoài loại trừ chi phí này.
Bỏ một rào cản khống chế chi phí quảng cáo sẽ mở được nhiều cánh cửa gia tăng nguồn thu, tạo dựng lòng tin. Do vậy, tháng 10 tới khi Bộ Tài chính trình ra Quốc hội nội dung này, tỉ lệ số phiếu tán thành chắc chắn sẽ cao hơn mức tán thành chỉ đủ để Quốc hội quyết định giữ nguyên nó.