Tại buổi họp báo quý I/2019 của Bộ Công an diễn ra chiều 25/3, báo chí đặt câu hỏi về việc kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình có dấu hiệu sơ sài khi thể hiện.
Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) khai được hưởng lợi 550 triệu đồng khi nâng điểm cho thí sinh nhưng không nêu danh tính người đưa tiền.
Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Về việc này, Chánh văn phòng Bộ Công an – Trung tướng Lương Tam Quang cho biết để đảm bảo thời hiệu điều tra và công bằng cho thí sinh, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra ban đầu chuyển VKSND cùng cấp.
“Còn thông tin các báo chí vừa nêu, cơ quan an ninh điều tra cũng đang tiếp tục làm rõ. Nếu đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Chứ không kết luận sơ sài, đó là bước đầu”, ông Lương Tam Quang nói.
Đầu tháng 3, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT xảy ra tại Hòa Bình, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao truy tố 3 người liên quan về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục).
Bị can Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn. Ảnh: Bộ Công an. |
Kết luận điều tra thể hiện Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn nằm trong tổ chấm thi trắc nghiệm do Nguyễn Quang Vinh làm tổ trưởng. Quá trình chấm thi, 3 bị can này cùng một số người liên quan đã sửa chữa, nâng điểm bài thi cho nhiều thí sinh.
Tháng 5/2018, Vinh bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm thi trắc nghiệm. Sau đó, Mạnh Tuấn bàn bạc với Khắc Tuấn để cùng thực hiện việc can thiệp, nâng điểm thi cho một số thí sinh theo chỉ đạo của Vinh.
Từ chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh cung cấp, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn nhằm lúc đêm tối vào phòng lưu trữ chỉnh sửa đáp án theo danh sách đã tập hợp sẵn.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. Kết luận giám định cho thấy có 140 bài thi của 56 thí sinh trong số trên bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án.
Đáng chú ý, kết quả điều tra còn xác định trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Nguyễn Khắc Tuấn đã trực tiếp nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho cháu là Đinh Ngọc Thảo.
Trong số 3 người bị khởi tố, riêng Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng từ việc chỉnh sửa bài thi THPT.