Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, năm 2014, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông khoảng 10-12 cơn, trong đó số lượng bão, áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam khoảng 4-5 cơn, trung bình năm ngoái khoảng 5 - 6 cơn.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ năm 1961, chỉ có 3 trận siêu bão vào biển Đông nhưng chưa có cơn nào đi vào đất liền Việt Nam. Bão vào đến Biển Đông vẫn ở cấp 15 hoặc trên cấp 15 nhưng vào gần tới đất liền thì suy yếu, không còn là siêu bão.
Theo ông Nguyễn Đức Hoà, Phó trưởng phòng dự báo hạn vừa, hạn dài (Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương), mặc dù số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn nhiều năm nhưng 2014 sẽ tiềm ẩn những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp, không theo quy luật khí hậu.
Bão cũng có thể xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm và ở khu vực Nam Biển Đông.
Bão Thần Sấm đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Ninh gần 2 tỷ đồng. |
Lý giải về việc ngay chớm mùa mưa bão đã xuất hiện cơn bão Rammasun mạnh cấp 14, hướng di chuyển phức tạp, ông Hòa cho rằng, bão mạnh xảy ra trong tháng 7 cũng là trường hợp hiếm gặp. Theo quy luật, những cơn bão đầu mùa thường không mạnh và bão mạnh nhất vào tháng 8, 9. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng có nhiều cơn bão mạnh tương tự Rammasun.
Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều. Do đó không thể chắc chắn năm nay siêu bão (từ cấp 15 trở lên) có thể xảy ra hay không.
Trong cuộc họp ban chỉ đạo đối phó với cơn bão Thần Sấm vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: "Phải có phương án riêng cho siêu bão" bởi biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết khó dự đoán.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường cần sớm trình phương án phân vùng bão. Trên cơ sở này cần có phương án ứng phó từng vùng một. "Các phương án chúng ta phòng tránh trước đây là không phù hợp với siêu bão, phải có phương án riêng, cần làm gấp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.