Các chế tài mạnh tay hơn với những người nổi tiếng vi phạm pháp luật, đạo đức đang được xây dựng. Ảnh: Bá Ngọc. |
Hiện nay, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi lan truyền nội dung xấu độc, tung tin giả, xúc phạm danh dự nhân phẩm hay quảng cáo sai sự thật vào khoảng 10-15 triệu đồng.
“Mức phạt này không đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, nghệ sĩ, những người có tác động ảnh hưởng lớn trên mạng”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết tại buổi tổng kết hoạt động thông tin điện tử năm vừa qua.
Cục PTTH&TTĐT cho biết trong năm qua đã “mạnh tay” hơn với các công ty xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ các quy định về thông tin và nội dung của Việt Nam. “Ví dụ, năm vừa qua, theo yêu cầu của Bộ, YouTube đã chặn gỡ 5 kênh phản động với khoảng 1.500 video, Facebook cũng đã chặn gỡ một số tài khoản”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử thuộc Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Hiện nay, các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Trong 6 tháng cuối năm, đã có hơn 2.000 quảng cáo vi phạm bị gỡ bỏ, trong đó nhiều quảng cáo “thuốc thực phẩm chức năng” thường xuất hiện trên mạng. Số lượng này bằng 3 năm trước cộng lại.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đã xây dựng và cập nhật “danh sách đen” bao gồm cả các tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm để các nhãn hàng và doanh nghiệp có thể tránh hợp tác quảng cáo, gián tiếp tài trợ cho nội dung bẩn. Các nhãn hàng tiếp diễn quảng cáo trên các nội dung độc hại này sẽ bị xử phạt và công khai tên.
Nói về mức phạt đối với các nghệ sĩ, đại diện Cục cho rằng khó khăn hiện nay là cho dù tăng mức tiền phạt cũng không đủ răn đe với nhóm đối tượng này, trong khi đó không thể tăng mức tiền phạt cao đến hàng trăm triệu, vì luật phải áp dụng được cho tất cả.
“Vì vậy chúng tôi sẽ có hướng xử lý khác với các đối tượng là người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOL, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo, hạn chế phát sóng, đăng báo, hạn chế xuất hiện trên mạng và cả các địa điểm biểu diễn”, ông Tự Do nói.
“Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, gọi nôm na là phong sát”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử thuộc Cục PTTH&TTĐT, cho biết thêm.
Đơn vị này cho biết đây là giải pháp dựa trên kinh nghiệm quốc tế từ Hàn Quốc, Trung Quốc, và sẽ tổ chức phổ biến hướng dẫn quy định khi chính thức ban hành trong thời gian tới.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.