Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ra những mục tiêu cụ thể cho nền kinh tế hướng tầm nhìn đến năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trong Nghị quyết nêu rõ đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong các mục tiêu trên đều nhấn mạnh đến định hướng phát triển công nghiệp, đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của đất nước. Nhân dịp năm mới, Zing có cuộc trao đổi với Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về định hướng phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Khuyến khích thành lập các tập đoàn công nghiệp lớn
- Thưa ông, trong thời gian tới ngành công thương sẽ quan tâm đến việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được thực hiện như thế nào?
- Thời gian tới trọng tâm chúng ta sẽ tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.
Thứ nhất, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong thời gian tới, việc phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Ảnh: TA. |
Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép…
Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo việc theo dõi và truy suất thông tin hàng hóa nhanh chóng chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối.
- Việc phát triển những ngành công nghiệp sẽ cần cơ chế vượt trội như thế nào?
- Năm 2020, chúng ta đã chứng kiến những cơ chế vượt trội được ban hành trong lĩnh vực sản xuất ôtô và năng lượng. Các cơ chế này đều phát huy tác dụng tới các doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm tốt trên thị trường.
Năm 2021, chúng ta sẽ có các cơ chế chính sách vượt trội, không chỉ trong các ngành công nghiệp cơ bản, mà còn khởi nghiệp sáng tạo, nhất là hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việt Nam không chỉ cần “sếu đầu đàn” mà còn cần phát triển cả đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một nền công nghiệp nội địa mạnh. Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, bảo vệ môi trường.
Nắm bắt cơ hội
- Theo ông, làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vươn lên, tận dụng các cơ hội về hội nhập, phát triển đất nước?
- Tôi cho rằng cơ hội luôn đến và dành cho tất cả. Năm 2021 sẽ còn những khó khăn và phức tạp, nhưng cả hệ thống chính trị vẫn chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tôi tin rằng, để nắm bắt được các cơ hội phía trước, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có sự chủ động, đặc biệt là nắm bắt những cơ hội trong bối cảnh mới, tình hình mới.
- Thưa ông, Thủ tướng từng nói Bộ Công Thương phải coi “doanh nghiệp là trung tâm”. Vậy đâu là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 của ngành công thương?
- Năm 2021, ưu tiên hàng đầu của ngành công thương là thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, phục hồi nền kinh tế, thực hiện các chiến lược và kế hoạch đã vạch ra.
Thứ hai, chúng tôi sẽ bám sát thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02, các chương trình hành động, thực hiện các FTA mới.
Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thứ ba, đẩy nhanh hơn nữa cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ hướng vào chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, thu hút nguồn lực, ưu tiên khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ tư, chúng tôi sẽ đẩy nhanh công tác phát triển thị trường, trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, tham gia vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến - chế tạo trong nước. Nhiệm vụ quan trọng là tổ chức lại các mô hình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành công thương sẽ chú trọng xây dựng những ngành công nghiệp đảm bảo nền kinh tế tự chủ và độc lập, đảm bảo có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, tránh phụ thuộc vào một số đối tác.
Điểm mới của năm 2021 mà Bộ Công Thương tập trung là tổ chức thực hiện gắn với đi đôi kiểm tra đánh giá. Khâu tổ chức thực hiện cần đòi hỏi trách nhiệm cao hơn nữa, do đó việc giám sát sẽ được tăng cường, phản ánh thực tiễn cuộc sống.