Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ bỏ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau năm 2022?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết sau khi đổi mới xong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự kiến năm 2022-2023), sẽ xét tốt nghiệp thay vì thi như hiện tại.

Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết chi phí cho chương trình là 77 triệu USD.

Đây là dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được Thủ tướng phê duyệt danh mục tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 8/4/2015. Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản, đồng thời là chủ dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2015-2020 tại Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh, thành.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói về chương trình giáo dục phổ thông mới Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Lãnh đạo Bộ GD& ĐT đã phân công Vụ Giáo dục Trung học chủ trì, phối hợp Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông nghiên cứu, đề xuất lộ trình thực hiện khi cấp THPT triển khai chương trình mới.

Hàng loạt tên gọi môn học mới

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, một số môn học sẽ có tên mới, như Thế giới Công nghệ (trước là Kỹ thuật và Công nghệ).

Môn Cuộc sống quanh ta (học từ lớp 1, lớp 2, lớp 3, đến lớp 4 và 5 sẽ phân thành Tìm hiểu tự nhiên và Xã hội. Giáo dục đạo đức - công dân có các tên: Giáo dục lối sống (tiểu học), Giáo dục công dân (THCS) và Công dân với Tổ quốc (THPT).

Môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo chỉ việc thực hành. Môn Lịch sử và Địa lý là phần tích hợp liên môn giữa Lịch sử và Địa lý, thay cho tên gọi Công dân với Tổ quốc được đưa ra trong dự thảo lần trước.

Phần tích hợp có thể hiểu như so sánh giữa hai căn biệt thự liền kề có một phần sân chung. Ví dụ, chương trình sẽ dạy vị trí địa lý của biển đảo ở môn Địa lý, phần cuộc đấu tranh giành biển đảo ở môn Lịch sử.

Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật định hướng cho học sinh đi theo khối ngành ngành công an, quân đội.

Môn Chuyên đề học tập: Giải thích nội dung học tập có tính ứng dụng, liên quan kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của địa phương.

Khác với chương trình cũ, chương trình mới sẽ phân hóa thành các bộ môn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc. Chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019.

Trong đó, môn học bắt buộc có phân hóa nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô-đun). Một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh. Một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Học sinh phải chọn môn học tự chọn bắt buộc trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Thời gian thực hiện các môn học trong một năm (tương đương 37 tuần) bao gồm 35 tuần thực học dành cho những môn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc. Hai tuần học dành cho môn tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Học gì trong chương trình phổ thông mới?

Ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc là Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

Các môn học bắt buộc có phân hóa là Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cấp tiểu học còn có Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học 2 buổi/ngày, với sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

chuong trinh giao duc pho thong tong the anh 1
Số tiết trong mỗi môn học ở bậc tiểu học và THCS.

Các môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Lớp 10 bắt đầu được coi là lớp định hướng nghề nghiệp, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Lớp 11 và lớp 12 là giai đoạn phân hóa sâu của việc định hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Các môn học bắt buộc có phân hoá: Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

Học sinh tự chọn tối thiểu 3 môn học và một chuyên đề học tập trong các môn tự chọn bắt buộc phù hợp nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

chuong trinh giao duc pho thong tong the anh 2
Số tiết trong mỗi môn học ở bậc THPT.

Có giảm tải so với chương trình cũ?

Trước băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông mới thực chất có giảm tải áp lực học tập cho học sinh khi ở cấp THPT có đến 6 môn bắt buộc, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng các môn chủ yếu thực hành, chỉ học 2 tiết/tuần nên không gây quá tải. Thời lượng môn học theo chương trình mới được phân bổ tương đương với tỷ lệ của chương trình hiện hành và chương trình nước ngoài.

Trước đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến sẽ có môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là môn học tự chọn. Tuy nhiên, khi tham khảo các chuyên gia quốc tế cho rằng 3 môn học này nên dạy bắt buộc cho đến hết bậc THPT.

Các môn Giáo dục Thể chất và Quốc phòng An ninh là môn bắt buộc theo quy định của Luật, nếu có thay đổi chỉ có thẩm quyền của quốc hội.

chuong trinh giao duc pho thong tong the anh 3
Học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Quyên Quyên.

Khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực bản thân

Một trong những trọng tâm của đổi mới chương trình phổ thông chính là sự thay đổi về phương pháp giáo dục.

Chương trình lấy người học là trung tâm, giáo viên sẽ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn và tạo những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.

Để giúp học sinh tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, tăng cường trải nghiệm các công cụ tin học và các hệ thống tự động hóa của kỹ thuật số sẽ được đưa vào nhà trường.

Đặc biệt, không chỉ khuôn gói trong giờ học trên lớp, các hoạt động học tập còn được mở rộng ra ngoài khuôn viên nhà trường, tạo cơ hội cho học sinh bên cạnh việc học lý thuyết, làm bài tập, thực hành..., còn được tham quan, cắm trại, đọc sách, tham gia các sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Việc tổ chức học tập, vì thế, cũng đa dạng hơn: học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, theo ban soạn thảo chương trình, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần thứ hai để lấy ý kiến trong dư luận. Bộ GD&ĐT công bố dự thảo này lần đầu vào năm 2015.

Chương trình mới: Nhiều thách thức với nhóm biên soạn

Thể hiện được mục tiêu về các phẩm chất, năng lực cốt lõi này vào từng môn học cụ thể là bài toán đầy thách thức với những nhóm biên soạn sách.

Quyên Quyên - Bảo Ngọc

Video: Vũ Loan và VTV

Bạn có thể quan tâm