Chia sẻ về những dự định của doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam, ông Dhep Vongvanich, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tập đoàn SCG tại Việt Nam, cho biết SCG tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam như một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn với dân số trẻ, thị trường sôi động và nhiều cơ hội còn chưa được khai thác.
- Quan điểm của SCG như thế nào khi đầu tư vào Việt Nam?
- SCG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 với hoạt động thương mại, sau đó mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất và phân phối ở các ngành công nghiệp như xi măng - vật liệu xây dựng, ngành bao bì và hoá dầu. Trong suốt quá trình hoạt động, chính sách đầu tư của chúng tôi luôn tập trung vào sự bền vững và trách nhiệm xã hội.
Thông qua hoạt động đầu tư, SCG hướng đến kết nối với các đối tác để cùng nhau phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên trường quốc tế.
Trong thời gian sắp tới, SCG vẫn tiếp tục với định hướng này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, tăng nguồn thu từ xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và phát triển nguồn nhân lực địa phương.
- SCG đã đầu tư vào Việt Nam thông qua những hình thức nào?
- Việc lựa chọn hình thức đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cũng như cơ hội đầu tư. Gần đây nhất, bên cạnh dự án đầu tư mới Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam, SCG cũng áp dụng hình thức M&P (sáp nhập và hợp tác) để đầu tư vào một số doanh nghiệp.
SCG muốn hợp tác cùng các đối tác địa phương thông qua việc trao đổi kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao uy tín của thương hiệu địa phương, phát triển nguồn nhân lực và hướng đến phát triển bền vững.
Ông Dhep Vongvanich, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tập đoàn SCG tại Việt Nam. |
Ví như trong lĩnh vực sản xuất gạch lát nền, SCG đã hợp tác cùng tập đoàn Prime Group để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Bằng cách kết hợp giữa chuyên môn và kinh nghiệm của SCG trong ngành công nghiệp gạch men với nguồn lực của đối tác, chúng tôi đã tạo nên những sản phẩm “made-in-Vietnam” chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu và cạnh tranh ở các thị trường quốc tế, gồm Thái Lan.
Trong đợt bùng phát Covid-19 vừa rồi, các công ty thành viên của SCG cũng chung tay đóng góp hiện kim, hàng hoá và đưa ra nhiều sáng kiến để hỗ trợ nhiều địa phương tại Việt Nam phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, tổng giá trị đầu tư của SCG tại Việt Nam đã lên tới 4,8 tỷ USD, với 10.800 nhân viên là người bản địa. Định hướng của SCG là ưu tiên bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực địa phương trong dài hạn.
- Vì sao SCG áp dụng hình thức mua cổ phần kiểm soát?
- Tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ được thỏa thuận với các đối tác, tùy vào lĩnh vực thế mạnh của họ. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng tôi tôn trọng ý kiến và sẽ hợp tác cùng nhau để đưa ra các quyết định có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Để phát triển các sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi tăng cường đầu tư và kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ lãnh đạo, do vậy, SCG hướng đến việc mua cổ phần kiểm soát để cho phép tối ưu việc chuyển giao các thế mạnh về công nghệ, mạng lưới toàn cầu, các nghiên cứu đổi mới cũng như quy trình quản lý vào các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với giá trị cốt lõi là tôn trọng sự công bằng trong mọi mối quan hệ, trong những quyết định quan trọng, SCG vẫn luôn dành cho các cổ đông - kể cả cổ đông thiểu số quyền phủ định hoặc thông qua. Đây chính là sự công bằng mà SCG luôn thực hiện trong triết lý kinh doanh của mình.
- Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đang được xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023 ảnh hưởng thế nào đến tổng thể hoạt động của SCG tại Việt Nam?
- Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam hiện được xây dựng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những dự án trọng điểm của ngành hoá dầu Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 5 tỷ USD.
Dự án hóa dầu miền Nam trở thành dự án trọng điểm của ngành hóa dầu Việt và có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế quốc gia. |
Trong năm 2018, các đại diện chính phủ đã tham dự lễ khởi công dự án và nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này với nền kinh tế quốc gia.
Khi tổ hợp đi vào hoạt động, quy mô kinh doanh của SCG tại Việt Nam sẽ lớn hơn so với hiện tại. Dự án cũng được mong đợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các doanh nghiệp hạ nguồn đầu tư vào Việt Nam. Với công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm dày dặn trong ngành hoá dầu, tổ hợp sẽ cung cấp những sản phẩm chất lượng cao cùng giá thành cạnh tranh. Điều này sẽ góp phần giảm lượng nhập khẩu hạt nhựa, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn trong nước, cũng như tạo cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng SCG dự định thâu tóm chuỗi cung ứng ngành nhựa Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
- SCG không có ý định thâu tóm toàn chuỗi cung ứng ngành nhựa. Chúng tôi và các đối tác địa phương sẽ bắt tay nhau nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm nhựa, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia về nguồn cung bao bì chất lượng. Từ đó, tạo động lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Ngoài ra, với trọng tâm phát triển bền vững, SCG sẽ mang đến những cải tiến và công nghệ tối tân, đảm bảo các cơ sở sản xuất và sản phẩm của chúng tôi thực sự thân thiện với môi trường.
- SCG đã áp dụng các nguyên tắc trong phát triển bền vững và ứng dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam như thế nào?
- Triết lý kinh doanh của SCG ở mọi quốc gia là quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Chúng tôi hướng đến nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống vững bền cho các bên liên quan.
Tại Việt Nam, SCG tập trung vào 3 lĩnh vực chính trong hoạt động xã hội, gồm: Phát triển thế hệ trẻ, nâng cao sức khoẻ và phát triển cộng đồng và môi trường. Dự án trách nhiệm xã hội tiêu biểu của SCG là học bổng” Sharing the Dream” mang đến cơ hội học tập cho gần 5.000 học sinh, sinh viên trong 13 năm qua.
Với các giải pháp kinh tế tuần hoàn, SCG đã sản xuất hạt nhựa tái chế, sử dụng sản phẩm nhựa đã qua sử dụng từ chất thải cộng đồng. |
Các chương trình thể thao khuyến khích nhiều người trẻ tham gia luyện tập và phát triển nghề nghiệp trong bóng đá chuyên nghiệp. Những sáng kiến, đóng góp hiện vật của SCG chung tay cùng chính quyền địa phương phòng chống dịch Covid-19 và giúp đỡ các nạn nhân thiên tai đã góp phần tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người dân Việt Nam.
Để giải quyết những vấn đề môi trường, chúng tôi cũng đề xuất nhiều sáng kiến nhằm nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn và thiết lập một mạng lưới hợp tác từ tất cả khu vực. Một số hoạt động điển hình là nâng cao nhận thức và hành động trong nội bộ SCG; phối hợp Bộ Tài nguyên & Môi trường (MONRE) và các đối tác trong quản lý rác thải nhựa; thí điểm mô hình trường học không rác thải với mục tiêu nhân rộng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, SCG cũng hướng đến hợp tác với MONRE để tổ chức hội nghị chuyên đề về kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hành động vì một tương lai bền vững.
Bao bì linh hoạt R-1 gồm nhiều lớp với các đặc tính độc đáo về khả năng chống va đập cao, có thể bảo vệ vật phẩm và khả năng tái chế, thân thiện với môi trường. |
Tuân theo chiến lược doanh nghiệp ESG, các công ty thành viên của SCG tại Việt Nam đã tiên phong trong việc áp dụng những sáng kiến và tiêu chuẩn xuất sắc về môi trường như hệ thống xử lý nước thải, phát điện nhiệt thải, mái năng lượng mặt trời… Những dự án này không chỉ tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý môi trường, mà còn dẫn lối cho một tương lai bền vững, đồng thời trở thành hình mẫu cho các doanh nghiệp khác.
Bình luận