Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

SCB có quyền tổng giám đốc mới

Sau hơn nửa năm bổ nhiệm ông Jeremy Chen vào vị trí quyền tổng giám đốc, HĐQT ngân hàng SCB một lần nữa phải thay đổi nhân sự ở ví trí cấp cao nhất trong ban điều hành.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa có thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong ban điều hành. Theo đó, HĐQT ngân hàng đã thống nhất bổ nhiệm ông Trương Khánh Hoàng, Phó tổng giám đốc thường trực, đảm nhận vị trí quyền tổng giám đốc SCB từ ngày 15/5, thay cho ông Jeremy Chen.

Như vậy, sau hơn nửa năm đảm nhận vị trí cao nhất trong ban điều hành SCB, vị lãnh đạo người nước ngoài này đã phải rời đi. Ông Jeremy Chen (Chen Yi-Chung) được HĐQT bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc ngân hàng từ tháng 10/2020.

HĐQT SCB cho biết nhân sự mới sẽ góp phần củng cố thêm nguồn nhân lực, giúp ngân hàng tiến xa hơn với chiến lược đã đề ra.

SCB co quyen tong giam doc moi anh 1

Ông Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng giám đốc SCB từ ngày 15/5. Ảnh: SCB.

Ông Trương Khánh Hoàng tốt nghiệp cử nhân tài chính ngân hàng tại Đại học Kinh tế TP.HCM.

Ông là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khi đảm nhiệm các vị trí nhân sự cấp cao tại một số tập đoàn bất động sản như giám sát phụ trách thị trường vốn và quan hệ đầu tư tại Công ty CP Tập đoàn Nova (Novaland); giám đốc phụ trách tài chính dự án cấp cao tại Công ty CP Phát triển Bất động sản Alpha King…

Trước khi được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc SCB, ông Khánh cũng đã nắm giữ nhiều vai trò lãnh đạo tại ngân hàng này như phó tổng giám đốc phụ trách khối tái thẩm định; phó tổng giám đốc phụ trách điều hành khối phê duyệt tín dụng và xử lý nợ; phó tổng giám đốc thường trực.

SCB hiện là một trong những ngân hàng thương mại tư nhân có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Điều này có được sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép 2 nhà băng khác là Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa hợp nhất vào SCB năm 2011 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012.

Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng tài sản của SCB đạt trên 661.500 tỷ đồng, cao nhất khối ngân hàng tư nhân và chỉ xếp sau 4 nhà băng quốc doanh gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.

Các chỉ tiêu tài chính tại đây lần lượt là cho vay khách hàng đạt 363.315 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm; tiền gửi của khách hàng đạt 478.975 tỷ đồng, tăng 2,4%.

Dù có quy mô tài sản lớn hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân khác hiệu quả kinh doanh của SCB chỉ ở mức trung bình trong hệ thống.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ HÀNG NĂM CỦA SCB

Nhãn20132014201520162017201820192020
LNTT tỷ đồng 60119111136164229220696

Năm 2020, nhà băng này chỉ thu về 696 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng gấp 3 lần so với năm liền trước nhưng mức lợi nhuận này vẫn rất khiêm tốn so với các ngân hàng tiệm cận quy mô của SCB như Techcombank (15.800 tỷ đồng); VPBank (13.019 tỷ đồng); MBBank (10.688 tỷ đồng); Sacombank (3.339 tỷ đồng)…

Trong quý đầu năm nay, SCB ghi nhận 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều nhóm nhà băng trên.

Hiện SCB đã được NHNN đã phê duyệt đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đề án này cho phép ngân hàng chủ động tái cơ cấu với một số cơ chế mới, gồm giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính…

Vừa qua, SCB cũng đã chính thức công bố phát hành thêm 500 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn tất trong tháng 6 tới. Việc tăng vốn kỳ vọng giúp SCB củng cố năng lực tài chính và nâng cao an toàn hoạt động cho ngân hàng.

Ngân hàng SCB lên lộ trình niêm yết cổ phiếu

Cổ phiếu SCB sẽ được niêm yết trên HoSE chậm nhất vào năm 2025 theo kế hoạch được đại hội cổ đông ngân hàng phê duyệt.

Ngân hàng SCB có quyền tổng giám đốc mới sau 2 tháng

Ông Jeremy Chen được SCB bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc mới thay ông Hoàng Minh Hoàn. Sau hơn 2 tháng nhậm chức, ông Hoàn chuyển sang làm phó tổng giám đốc thường trực.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm