Theo Guardian, lần đầu tiên trong lịch sử, Saudi Arabia sẽ phát hành visa cho khách du lịch không đến đây vì mục đích tôn giáo, từ ngày 28/9. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ.
Chương trình visa này sẽ dành cho công dân của 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, và các quan chức Saudi hy vọng du lịch sẽ đóng góp 10% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030.
Vương quốc Hồi giáo này vốn rất bảo thủ và đã đóng cửa biên giới của họ trong nhiều thập kỷ, nhưng trong những năm gần đây Saudi Arabia bắt đầu nới lỏng các quy tắc xã hội nghiêm ngặt. Phụ nữ không còn bị cách ly khỏi nam giới ở nơi công cộng, và họ được phép lái xe, không phải mặc áo choàng toàn đen.
Ông Ahmed Al Khateeb, Chủ tịch Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia Saudi Arabia, công bố ra mắt chế độ thị thực du lịch mới trong sự kiện diễn ra ở Riyadh. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành du lịch Saudi, ông Ahmed al-Khateed khẳng định đồ uống có cồn vẫn sẽ bị cấm, và du khách được khuyến khích đến Saudi Arabia để "tận hưởng những thứ khác".
Cho đến nay, người nước ngoài chỉ được phép nhập cảnh vào Saudi Arabia theo dạng nhân công thường trú và người phụ thuộc, khách đến làm ăn và khách hành hương Hồi giáo được cấp thị thực đặc biệt để đến thăm các thành phố linh thiêng Mecca và Medina.
Động thái này cũng là một phần trong nỗ lực cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman, người có tham vọng phát triển các ngành công nghiệp mới cho quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Du lịch được ưu tiên trong chương trình nghị sự của thái tử, dù hiện tại Saudi Arabia đang thiếu nhiều cơ sở vật chất. Theo ước tính, khoảng 67 tỷ USD cần được đầu tư để xây dựng hệ thống khách sạn và các dự án khác.
Việc phát triển ngành du lịch được cho là sẽ tạo ra hơn một triệu việc làm ở Saudi Arabia. Thái tử Mohammed bin Salman đang gặp khó khăn trong việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở vương quốc này, vốn đang ở mức trên 12%.