Sau vụ tàu đâm nứt cầu cảng, Venice 'đau đầu' với du thuyền quá khổ
Thứ hai, 3/6/2019 20:15 (GMT+7)
20:15 3/6/2019
Vụ siêu du thuyền MSC Opera, có sức chở hơn 2.500 hành khách, đâm vào cầu cảng ở Venice tuần qua khiến người dân phẫn nộ và đòi cấm cửa tàu lớn vào các kênh nhỏ tại thành phố.
Ít nhất bốn người bị thương trong vụ tai nạn sáng 2/6 ở cầu cảng trên kênh Giudecca, dẫn vào quảng trường Thánh Mark nổi tiếng ở thành phố Venice của Italy. Tàu du lịch biển MSC Opera, có chiều dài gần 275 m, gặp trục trặc động cơ làm mất kiểm soát tốc độ và lao thẳng vào bến tàu. Ảnh: Reuters.
MSC Opera va chạm với một du thuyền cỡ nhỏ tên River Countess đang neo đậu. Trong đoạn video ghi lại hình ảnh vụ việc, tàu du lịch biển hú còi inh ỏi để cảnh báo mọi người sơ tán. Nhiều người từ du thuyền River Countess ùa xuống cầu cảng thoát thân nhưng có ít nhất hai người kẹt lại khi va chạm xảy ra, theo Guardian. Ảnh: Reuters.
"Mũi tàu du lịch biển đâm mạnh vào bờ. Trọng lượng khổng lồ nghiền nát một phần lớn thành của cầu cảng. Tiếng còi hú inh ỏi. Đúng là một cảnh tượng nghẹt thở", Elisabetta Pasqualin, một người dân sống ven kênh Giudecca, kể lại khoảnh khắc cô nhìn thấy tàu MSC Opera lao vào cầu cảng. Ảnh: Reuters.
Thông tin ban đầu trên các kênh truyền thông địa phương xác nhận có đến năm hành khách của tàu River Countess bị thương. Một nạn nhân được xuất viện không lâu sau vụ tai nạn. Bốn hành khách còn lại đều là nữ, đến từ các nước Mỹ, Australia và New Zealand. Họ được yêu cầu ở lại thêm vài ngày để theo dõi. Ảnh: Reuters.
Hàng loạt quan chức thành phố Venice và chính phủ Italy nói vụ tai nạn sáng 2/6 cho thấy không thể tiếp tục cho phép tàu du lịch cỡ lớn đi vào kênh Giudecca, một trong những tuyến đường thủy tấp nập nhất thành phố. Thị trưởng Luigi Brugnaro nói chính quyền Venice cần lập tức thiết lập một tuyến đường mới cho tàu cỡ lớn. Ảnh: Reuters.
Gần bốn năm trước, giới chức địa phương đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển hướng di chuyển của các tàu du lịch biển cỡ lớn từ kênh Giudecca sang một kênh có sức tiếp nhận lớn hơn là Vittorio Emanuele. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được chính phủ Italy phê duyệt tiến hành. Ảnh: Reuters.
Nhiều người dân địa phương cũng phản đối tàu du lịch cỡ lớn đi vào các con kênh. Họ cho rằng những con tàu này quá lạc lõng với vẻ đẹp cổ kính của thành phố, đồng thời khiến Venice rơi vào cảnh quá tải khách du lịch, theo BBC. Ảnh: Reuters.
Nhiều chuyên gia còn lo ngại tàu cỡ lớn đi vào kênh đào đe dọa gây ô nhiễm thành phố. Tàu du lịch biển còn tạo ra sóng lớn, có nguy cơ làm hư hại kiến trúc độc đáo tại Venice. Ảnh: Reuters.
Hai bộ trưởng môi trường và bộ trưởng hạ tầng của Italy đều ủng hộ việc tìm kiếm một phương án mới bảo vệ cả thành phố và ngành du lịch của địa phương. "Sau nhiều năm bàn luận, chúng ta đang ở rất gần giải pháp", Bộ trưởng Hạ tầng Danila Toninelli cho biết. Ảnh: Reuters.
"Đã đến lúc chúng ta giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần hợp tác để hiểu rõ nguyên nhân vụ việc và cách giải quyết tận gốc vấn đề", Pino Musolino, chủ tịch cơ quan quản lý cảng phía bắc biển Adriatic, cho biết. Ảnh: Reuters.
Hồi tháng 6/2017, các nhà hoạt động thuộc phong trào No Grandi Navi (Nói không với tàu lớn) còn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức tại Venice, đề nghị chính quyền thành phố không cho tàu cỡ lớn tiến vào hệ thống đầm phá. Ảnh: Reuters.
Sau đó gần 3 tháng, chính phủ Italy thông báo kế hoạch tái quy hoạch giao thông đường thủy Venice. Các tàu hơn 96.000 tấn sẽ đi vào khu vực đầm phá qua kênh Malamocco trước khi đến một cảng xây mới tại Marghera. Tàu cỡ vừa sẽ đi đường vòng qua kênh đào Vittorio Emanuele. Tuy nhiên, những kế hoạch này vẫn nằm trên giấy. Ảnh: Reuters.
Các du khách tham quan trên sông Danube tại thủ đô Budapest vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi chứng kiến cảnh tàu du lịch Mermaid bị nhấn chìm xuống dòng nước xiết trong mưa lớn.
Giá đỡ trên tàu chở hàng đổ sập khiến một siêu du thuyền hạng sang rơi xuống Địa Trung Hải và chìm mất. Con thuyền từng đạt giải trong cuộc thi Siêu du thuyền Thế giới.