Sở GTVT vừa đề xuất triển khai dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh chạy qua quận 1 và Bình Thạnh, một trong những “rốn ngập” của TP.HCM. Theo sở này, dự án tập trung vào mục tiêu xử lý lún nền đường, nâng cao mặt đường, cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước đảm bảo chống ngập, sửa chữa một số công trình hạ tầng khác trên tuyến đường.
Dự án sẽ kéo dài từ điểm giao với đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến điểm giao đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với chiều dài 3,12 km. Mức đầu tư dự kiến khoảng 472 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng khoảng 344 tỷ đồng. Dự án không có phần giải phóng mặt bằng.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, "rốn ngập" tại TP.HCM mỗi khi trời mưa. Ảnh: Tùng Tin. |
Thực tế, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh theo hình thức hợp đồng tổng thầu “chìa khoá trao tay” được hình thành từ năm 2009. Đến năm 2015, dự án được UBND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, một năm sau, dự án phải tạm dừng để chờ Tập đoàn Vingroup nghiên cứu đề xuất dự án theo hình thức BT và không được thành phố tiếp tục bố trí vốn chuẩn bị đầu tư.
Tháng 9/2016, Tập đoàn Vingroup có công văn kiến nghị ứng trước kinh phí khoảng 526,7 tỷ đồng (không tính lãi) cho thành phố để thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị thực hiện sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh khẩn cấp. Với những thay đổi hiện nay, dự án vẫn đang chờ góp ý của các sở, ngành.
Trong văn bản góp ý của Bộ GTVT với dự án này, cơ quan này cho rằng Tập đoàn Vingroup xin ứng vốn cho thành phố sửa chữa đường; tuy nhiên, báo cáo của UBND TP.HCM chưa làm rõ cách thức, thủ tục việc ứng, hoàn trả vốn đối với doanh nghiệp ứng vốn. Từ đó, Bộ GTVT đề nghị thành phố tự quyết đề xuất của Vingroup, chịu trách nhiệm bố trí kế hoạch vốn để hoàn trả phù hợp với ngân sách của thành phố và quy định của pháp luật về đầu tư công.
Chỉ dài 3 km nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh "gánh" tới 4 khu phức hợp với gần 20.000 căn hộ. Riêng hai khu phức hợp của Tập đoàn Vingroup chiếm tới 15.000 căn hộ. Ảnh: Chi. |
Theo đánh giá của Sở GTVT, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng trên nền đất yếu, lưu lượng giao thông lớn và tình hình phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường quá nhanh nên đã bị xuống cấp, nền mặt đường lún sâu làm hư hỏng hệ thống thoát nước gây ngập nước thường xuyên. Đây được coi là điểm đen về ùn tắc giao thông, ngập nước.
Với chiều dài hơn 3 km, hiện tại đường Nguyễn Hữu Cảnh chịu áp lực giao thông rất lớn do phục vụ giao thông liên khu vực, các khu dân cư, trường học, chung cư The Manor (1.000 căn hộ), Saigon Pearl (1.500 căn hộ và 126 biệt thự) đã đi vào hoạt động nhiều năm nay.
Trong thời gian tới, các khu đô thị dọc tuyến như khu phức hợp Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River (khoảng hơn 15.000 căn hộ, trường học, bệnh viện, dự kiến hoàn thành năm 2018) và SunWah Pearl (khoảng hơn 1.000 căn) sẽ tạo áp lực giao thông ngày càng tăng trên tuyến đường.
Trước đó, để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, UBND TP.HCM đã ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Quang Trung để triển khai "siêu máy bơm" chống ngập. Tuy nhiên, tình trạng ngập tại tuyến đường này vẫn chưa được cải thiện đáng kể do tình trạng rác thải bít miệng cống thoát nước.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh kéo dài từ giao lộ với đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến giao lộ đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Ảnh: Google Maps. |