Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 với nhiều thông tin khả quan. Mặc dù doanh thu thuần năm 2017 của HAGL đạt 4.895 tỷ đồng, giảm 29% so với năm 2016, tuy nhiên, do giá vốn giảm tới 49% nên lợi nhuận gộp đã tăng gấp 2,5 lần (tăng 91% kế hoạch), đạt 1.850 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp được tính sau khi lấy doanh thu thuần trừ giá vốn hàng bán của HAGL có sự thay đổi mạnh về cơ cấu.
Doanh thu thuần ghi nhận tăng ở một số mảng như trái cây đạt hơn 1.650 tỷ đồng, dịch vụ cho thuê là 792 tỷ đồng (năm 2016 đạt hơn 460 tỷ), mủ cao su hơn 419 tỷ (năm 2016 đạt hơn 114 tỷ)...
Tuy nhiên, doanh thu thuần giảm từ một số mảng như bán bò giảm về còn 761 tỷ đồng (năm 2016 đạt hơn 3.400 tỷ), bán sản phẩm hàng hoá còn 419 tỷ (năm 2016 là 692 tỷ), căn hộ đạt hơn 58 tỷ (năm 2016 đạt 206 tỷ), các sản phẩm ngành đường giảm về còn 80 tỷ (năm trước là 469 tỷ)…
Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán thì lợi nhuận gộp của HAGL như sau: từ trái cây khoảng 905 tỷ đồng, từ bán bò khoảng hơn 200 tỷ đồng, bán căn hộ âm khoảng 1 tỷ đồng, các sản phẩm ngành đường âm khoảng 40 tỷ đồng, mủ cao su khoảng 56 tỷ đồng…
Năm 2017, HAGL đầu tư chủ yếu tăng vào vườn cây ăn quả, dự án bò, học viện bóng đá. Điều này thể hiện ở khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang với phần học viện bóng đá tăng từ hơn 39 tỷ năm 2016 lên trên 54 tỷ của năm 2017, dự án bò từ trên 4,7 tỷ tăng lên 51,4 tỷ, phát triển vườn cây ăn quả từ hơn 638 tỷ tăng lên trên 1.700 tỷ đồng.
Năm qua, HAGL cũng ghi nhận tới 1.608 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 68%, do tập đoàn này ghi nhận lãi đột biến 808 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư – chủ yếu do hoàn tất bán mảng mía đường cho TTC Group.
Năm 2017, chi phí vay của HAGL ở mức 1.451 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ - cũng là một tín hiệu tích cực. Chi phí bán hàng giữ giảm 14%, ở mức 145 tỷ đồng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 647 tỷ đồng, tăng 27%.
Kết thúc năm 2017, HAGL ghi nhận 1.032 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Một năm trước đó, tập đoàn này lỗ tới 2.182 tỷ đồng, cho thấy tình hình kinh doanh đã khả quan hơn nhiều. Ngay cả khi loại khoản lãi đột biến 808 tỷ đồng (thực chất đã ghi nhận vào năm 2016 nhưng sau đó chuyển sang hạch toán năm 2017), lợi nhuận sau thuế vẫn đạt trên 200 tỷ đồng.
Ngoài điểm sáng về lợi nhuận, tình hình nợ vay của doanh nghiệp bầu Đức hiện cũng chuyển biến rất tích cực. Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) của tập đoàn này ở mức 22.819 tỷ đồng, giảm tới 4.517 tỷ đồng sau một năm, tương đương giảm 16,5%.
Vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ 15.945 tỷ đồng hồi đầu năm lên 18.288 tỷ đồng, tương đương tăng 15%. Tính ra, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HAGL đã giảm từ mức 1,7 lần xuống chỉ còn 1,25 lần.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 này, HAGL có điều chỉnh hồi tố số liệu của năm 2016.
Theo HAGL, công ty đã bàn giao CTCP Mía đường Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu vào tháng 8/2016. Tại thời điểm lập báo cáo hợp nhất 2016, hai bên đang tiến hành thủ tục pháp lý để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng. Cuối năm 2016, ban lãnh đạo HAG xác định chấm dứt toàn bộ quyền kiểm soát và đã sử dụng số liệu của bảng cân đối kế toán tại ngày 31/8/2016 của nhóm công ty mía đường để hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của HAG.
Tuy nhiên trong năm 2017, các hồ sơ pháp lý hoàn tất ngày 22/5/2017. Theo đó, HAG đã xem xét lại và kết luận chấm dứt quyền kiểm soát nhóm công ty mía đường kể từ ngày này, và đã điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của HAG.
Việc hồi tố này dẫn đến ghi nhận tăng doanh thu thêm 263 tỷ đồng, giá vốn tăng thêm 185 tỷ đồng, thuế gần 18 tỷ đồng và tương ứng lợi nhuận sau thuế điều chỉnh từ mức âm 1.136 tỷ đồng lên mức 1.569 tỷ đồng.