"Việc gia nhập TPP đang là một trong những chủ đề thảo luận nóng nhất hiện nay. Chính phủ muốn ký kết TPP, nhưng vẫn có một số ý kiến phản đối", Somchai Swangkarn, thành viên Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan, cho biết.
Theo Bangkok Post, Thái Lan trước đây đã có ý định gia nhập TPP khi Tổng thống Mỹ Barack Obama còn tại vị. Tuy nhiên, ý định này bị loại bỏ khi Mỹ rút khỏi hiệp định tháng 1/2017. Nay, khi xuất hiện các động thái cho thấy Mỹ có thể tái gia nhập TPP, vấn đề này lại được nêu lên trên chính trường Thái Lan.
Ngành ôtô Thái Lan có thể hưởng lợi lớn nếu nước này gia nhập TPP. Ảnh: Paul Tan. |
Tuần trước, Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Werachon Sukhondhapatipak tuyên bố chính phủ nước này không loại trừ khả năng ký kết gia nhập TPP. Bangkok hiện nghiên cứu tác động của hiệp định TPP tới các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.
"Thái Lan nên gia nhập TPP. Đối với bất kỳ quốc gia nào thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm, sự cần thiết gia nhập TPP là điều quá hiển nhiên", Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á trụ sở Singapore, nhận định.
Ông Elms cho biết việc gia nhập TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích như hưởng mức thuế xuất nhập khẩu bằng 0, được tiếp cận các dịch vụ tốt hơn, được bảo vệ đối với các quyền liên quan tới đầu tư và tài sản trí tuệ, đồng thời hàng hóa sẽ luân chuyển thuận lợi hơn tới các quốc gia thành viên TPP khác.
11 nước thành viên hiện thời của CPTPP. Đồ họa: Lincoln University. |
TPP là một hiệp định mở và các quốc gia khác có thể gia nhập sau khi hiệp định này đã có hiệu lực. Để trở thành thành viên TPP, các quốc gia phải đạt được thỏa thuận riêng rẽ với từng thành viên của hiệp định. Ngoài Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan đã cho thấy sự quan tâm đối với khả năng gia nhập TPP.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định tháng 1/2017. Mười một quốc gia còn lại, dẫn đầu bởi Nhật Bản, đã tái đàm phán và hoàn thành sửa đổi văn bản hiệp định vào tháng 1/2018 với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
11 nước hiện tham gia hiệp định là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Dự kiến, CPTPP sẽ được ký kết vào ngày 8/3 tại Chile.