Cấm nuôi sâu lạ ăn tạp
Tuần qua, trên các trang web chính thức của chi cục Bảo vệ thực vật nhiều tỉnh thành đã có thông tin về việc cấm nhân nuôi, phóng thích loài sâu có tên Super Worm, hay còn gọi là sâu gạo. Đây là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn và có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Chúng chưa có tên trong “Danh sách vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam” và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Các đơn vị, cá nhân nào nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Super Worm mà không được phép bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng.
Thông tin này đã gây bất ngờ cho nhiều người nuôi sâu gạo, bởi loài sinh vật này từng là kế sinh nhai và làm giàu của hàng trăm hộ dân nơi đây. Chu kỳ sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 45 ngày, thức ăn dễ kiếm và giá bán cao, thường từ 120.000 đồng đến 300.000 đồng/kg, đầu ra ổn định là nguyên nhân khiến loài sinh vật này được nhân nuôi rộng rãi.
Theo nhiều hộ dân đang nuôi sâu gạo, hiện nay chưa có văn bản chính thức nào chứng minh được loài vật này gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây còn là nguyên liệu chính làm thức ăn để nuôi cá cảnh, chim cảnh, cá giống, và một phần dùng làm món ăn cho con người.
Cảnh báo 8 loại hoa quả Trung Quốc
Cục quản lý chất lượng lâm thủy sản tuần qua đã gửi công điện cho Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu - Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc, để cảnh báo về 17 lô thực phẩm nguồn gốc nước này xuất sang Việt Nam có dư lượng hóa chất vượt mức. Theo danh sách đính kèm, các lô hàng này gồm có quýt tươi, cà rốt, nho tươi, chanh tươi, hồng quả, táo, cam tươi và củ cải trắng.
Các loại hóa chất vượt ngưỡng được phát hiện bao gồm thuốc diệt nấm, diệt nhện và Methomyl. Tuy nhiên, các lô hàng này đều đã được tiêu thụ hết, bởi dù vượt ngưỡng quy định nhưng vẫn ở mức an toàn với người dùng. Việc Việt Nam thông báo cho Trung Quốc chỉ là động thái mang tính ngăn chặn từ xa theo thông lệ thương mại quốc tế.
Kiên Giang tìm thông tin về con banh lông
Sau thông tin về việc ngư dân tại Kiên Giang đổ xô đầu tư để khai thác banh lông, loài thủy sản chưa xác định được giá trị kinh tế, để bán cho thương lái Trung Quốc, cơ quan chức năng tỉnh này đã yêu cầu Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng thanh tra sở kiểm tra, báo cáo về tình trạng thu mua con banh lông trên địa bàn tỉnh này.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Kiên Giang cho biết, sẽ xem xét các quy định về việc khai thác con banh lông. Nếu không đúng, cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo quy định. Song song với đó, Sở sẽ chờ ý kiến phân tích của ngành chức năng, xem banh lông là con gì, đặc tính như thế nào, có giá trị kinh tế không, khai thác có làm ảnh hưởng môi trường sinh sống của các sinh vật biển không...
Xích lô nhí giá 30.000 đồng/h hút khách Sài Gòn
Từ đầu năm nay, dịch vụ cho thuê, bán những chiếc xích lô nhí bỗng ăn nên làm ra tại Sài Gòn. Khách hàng ruột của xích lô mini là là những cô, cậu bé dưới 10 tuổi. Mỗi chiếc xích lô như thế này có giá xuất xưởng từ 2,5 đến hơn 5 triệu đồng tùy vào thiết kế và chất liệu sắt hay inox. Xe được trang bị đèn trang trí hai bên, đuôi xe còn được cung cấp nguồn điện từ bình ắc quy nằm dưới gầm.
Giá thuê 30 phút đạp xích lô là 15.000 đồng. Dịch vụ này hoạt động hằng ngày từ 18h - 21h30 tại chung cư Lạc Long Quân, quận 11. Những chiếc xích lô đều được đính số để chủ xe dễ quản lý. Cứ hết giờ thuê, chủ xe sẽ ra sân để thông báo cho khách hàng.
Chăn trâu thuê trở thành tỷ phú
Ở vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang) có một nông dân từ nhỏ chuyên đi chăn trâu mướn nay đã có trong tay cả một trang trại trâu, bò, giá trị lên đến cả tỷ đồng. Anh nông dân đó chính là Đoàn Văn Liêm, ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành – Kiên Giang.
Năm 1988, từ đôi trâu phải tích góp tiền, thậm chí không dám sinh con vì sợ không đủ tiền trả nợ, gia đình anh đã ăn nên làm ra nhờ dịch vụ cho thuê trâu cày. Từ cặp trâu này, lần lượt anh Út tậu thêm được hai cặp trâu nữa để tăng cường phục vụ cho việc cày, bừa cho nông dân. Đến nay, anh Út đã có trong tay trên 50 con trâu, 15 con nghé và 50 con bò, trong đó có 10 cặp trâu xịn chuyên đi cày, kéo thuê.
Hiện nay anh Út thành lập trang trại 2 ha để chăn nuôi thả trâu. Trung bình, một năm anh Út xuất chuồng bán trâu một lần, trừ hết chi phí phần lãi còn trên 550 triệu đồng. Ngoài ra, một năm đàn trâu của anh Út tăng được 15 – 20 con nghé. Đối với nghé nuôi trong vòng một năm rưỡi đến hai năm là có thể xuất bán với giá từ 25-30 triệu đồng/con.