Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau kim chi, dân mạng Hàn - Trung lại tranh cãi về bánh gạo

Khi cuộc chiến kim chi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bánh gạo - một món ăn nổi tiếng khác - lại tiếp nối chủ đề tranh luận ẩm thực giữa cư dân mạng Hàn và Trung.

“Cuộc chiến kim chi” - nơi người Hàn Quốc và Trung Quốc tranh luận về nguồn gốc, bản quyền của món kim chi - thu hút hàng triệu người tham gia. Một số blogger nổi tiếng như Mukbang Hamzy của Hàn Quốc và “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất của Trung Quốc cũng bị kéo vào cuộc tranh cãi nảy lửa này.

Trong khi “cuộc chiến kim chi” chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bánh gạo - một món ăn nổi tiếng khác - lại tiếp tục trở thành chủ đề tranh luận mới giữa cư dân mạng Hàn và Trung, theo SCMP.

tranh cai nguon goc banh gao anh 1

Bánh gạo Hàn Quốc và Trung Quốc có nhiều điểm giống và khác nhau. Ảnh: Elaine Yau, Jonathan Wong.

Niangao của Trung Quốc

Được làm từ bột gạo nếp kết hợp với một số chất kết dính khác, bánh gạo tồn tại với nhiều hình dạng khác nhau và đặc biệt phổ biến trong ẩm thực châu Á. Giống như mì ống, món ăn này hầu như không có hương vị gì khi đứng một mình, nhưng khi nấu với nước sốt, chúng cho hương vị độc đáo mà vẫn giữ được độ dai, kết dính nhất định.

Bánh gạo Trung Quốc hay còn gọi là niangao, được làm từ gạo giã nhỏ và có độ dẻo, dai. Niangao được cho xuất hiện từ khoảng 2.500 năm trước ở Tô Châu trong thời kỳ chiến tranh hỗn loạn, kéo dài từ năm 722 đến năm 481 TCN.

Ngũ Tử Tư được ghi nhận là người đầu tiên tạo ra món ăn từ bột gạo nếp và cứu người dân thoát khỏi nạn đói khi vương quốc của ông bị bao vây vào khoảng năm 480 TCN.

Truyền thuyết về niangao cũng kể đến một phong tục Bắc Kinh liên quan đến việc ăn bánh gạo vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán từ thời nhà Liêu. Trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, niangao đã trở thành một loại lương thực phổ biến, với nhiều phiên bản khác nhau được phát triển ở phía bắc và phía nam.

Một công thức đáng chú ý được tìm thấy ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải, cho thấy bánh gạo dẹt được xào với thịt lợn thái mỏng, rau xanh và nước sốt mặn ngọt bao gồm nước tương và đường.

Mặc dù bánh gạo có thể được ăn quanh năm, nhưng theo truyền thống, đây được coi là món ăn đặc biệt dùng trong bữa cơm sum họp ngày Tết. Bánh gạo cũng đại diện cho sự may mắn và tài lộc vì niangao là từ đồng âm của năm mới thịnh vượng.

Tteokbokki của Hàn Quốc

Được dịch theo nghĩa đen là "bánh gạo xào", tteokbokki là một món ăn đường phố phổ biến của Hàn Quốc được làm từ garaetteok cỡ nhỏ . Không giống như phiên bản Trung Quốc được cắt lát và dẹt, garaetteok là một loại bánh gạo dài, hình trụ và bánh thường dai hơn nhiều so với phiên bản Trung Quốc.

Những mô tả đầu tiên về tteok (bánh gạo) xuất hiện trong một số cuốn sách về các cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Triều Tiên diễn ra từ năm 480 đến năm 222 TCN. Sách viết rằng để chế biến bánh gạo, hạt gạo phải được vo sạch, giã thành bột rồi trộn với nước, trước khi nặn thành hình dẹt đem hấp chín.

Tteokbokki ngoài bánh gạo còn có rất nhiều nguyên liệu phụ. Bánh gạo được luộc chín và phủ một lớp sốt đỏ gồm gochujang (tương ớt), gochugaru (ớt đỏ), nước tương, đường và hạt mè. Một số công thức nấu ăn tự làm còn bao gồm eomuk (bánh cá dẹt) thái lát, bắp cải và hành lá.

tranh cai nguon goc banh gao anh 4

Tteokbokki là món ăn đường phố phổ biến ở Hàn Quốc. Ảnh: Jonathan Wong.

Tteokbokki cay là phiên bản mới hơn. Được phát triển vào năm 1953, năm chiến tranh Triều Tiên kết thúc, công thức này có thể bắt nguồn từ một phụ nữ ở Seoul, người đã làm bánh gạo với nước sốt gochujang như một món ăn nhẹ với giá cả phải chăng.

Một món bánh gạo Hàn Quốc khác cũng tương tự món niangao của Trung Quốc là Gungjung Tteokbokki, hay còn gọi là bánh gạo cung đình.

Như tên gọi của nó, món ăn truyền thống xuất hiện từ triều đại Joseon và là một khía cạnh quan trọng của ẩm thực hoàng gia. Trái ngược với phiên bản cay hiện đại thường thấy trên các quầy hàng đường phố, Gungjung Tteokbokki được xào với thịt thái mỏng, rau và nước sốt đậu nành.

Bánh gạo hiện nay được phục vụ phổ biến ở cả Hàn Quốc, Trung Quốc và chắc chắn ở mỗi quốc gia, món ăn này đều có có lịch sử lâu đời và quá trình phát triển rất riêng. Chúng đều đóng những vai trò quan trọng trong truyền thống ẩm thực của Trung Quốc, Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

Cuộc chiến kim chi

Không chỉ những influencer đình đám mà các học giả nổi tiếng của Hàn Quốc cũng đưa ra luận điểm chứng minh kim chi xuất phát từ xứ củ sâm để phản đối Trung Quốc.

Lê Vy (Theo SCMP)

Bạn có thể quan tâm