Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau cơn bão Chanchu, 8 năm không làm được chứng tử

Chồng mất tích trong cơn bão Chanchu cách đây đã 8 năm nhưng nhiều phụ nữ nghèo ở tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có tiền làm giấy chứng tử.

Trong căn nhà chật hẹp đã xuống cấp tại thôn Tân Phú (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), bà Võ Thị Miên (SN 1969) cố giấu dòng nước mắt thắp nén hương lên bàn thờ chồng.

Năm 2006, chồng bà là ông Trần Minh Hùng (SN 1968) cùng các ngư dân Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Tuyền, Huỳnh Công Tổng, Nguyễn Minh Quang đi biển gặp bão Chanchu rồi mất tích. Gia đình đã lập bàn thờ và làm các thủ tục ma chay dù không tìm được thi thể.

Nhiều thủ tục rườm rà

Một mình bà Miên bươn chải nuôi 5 đứa con ăn học. Năm ngoái, con gái đầu của bà đang học ĐH, chuẩn bị ra trường thì bị xe tông gãy chân, nằm điều trị gần 1 năm nay. Mỗi ngày, bà Miên phải thức dậy từ lúc 2h để đi xay bột làm bánh tráng bán kiếm tiền.

Chồng mất tích đã 8 năm nhưng đến nay, bà Miên chưa làm được giấy chứng tử cho chồng.

Năm 2010, bà lên UBND xã Tam Phú làm giấy chứng tử cho chồng nhưng cán bộ xã hướng dẫn nhiều thủ tục rắc rối nên lại thôi. Đến cuối năm 2013, bà tiếp tục lên xã hỏi các thủ tục để làm giấy chứng tử nhưng công an xã chỉ xác nhận chồng bà mất tích và được cán bộ xã hướng dẫn nộp đơn yêu cầu tuyên bố mất tích lên TAND TP Tam Kỳ.

Sau đó, bà Miên nộp đơn cùng giấy chứng nhận mất tích của Công an xã Tam Phú. Ngày 14/3, bà nhận được văn bản thông báo của TAND TP Tam Kỳ cho biết theo quy định, để được yêu cầu tuyên bố mất tích phải thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú trên báo và đài trung ương 3 số liên tiếp.

“Tôi nghe nói phải mất hơn 10 triệu đồng mới làm được các thủ tục báo tử cho chồng. Làm gì có đủ tiền để làm giấy, trong khi chồng tôi đã mất 8 năm nay rồi. Sao lại có nhiều thủ tục như vậy?”, bà Miên thắc mắc.

Ngoài trường hợp bà Miên, bà Trần Thị Xanh (SN 1974), vợ ngư dân Trần Quang Tuyền, cũng nộp đơn và nhận được thông báo tương tự. Một mình bươn chải nuôi 2 con ăn học, bà Xanh không biết lấy đâu ra số tiền hơn 10 triệu đồng để làm thủ tục nên đành buông xuôi!

Không cần tuyên bố mất tích

Theo trưởng thôn Tân Phú Trần Ngọc Sơn, ở thôn có 5 trường hợp mất tích trong bão Chanchu. Đến nay, cả 5 người đều chưa được làm giấy chứng tử vì gia đình họ rất khó khăn. Những trường hợp có chồng là cựu chiến binh như gia đình bà Miên vì không làm được giấy chứng tử nên chưa được nhận tiền trợ cấp và các chế độ ưu tiên khác.

Ông Đặng Quốc Lộc, Chánh án TAND TP Tam Kỳ, cho hay Bộ luật Dân sự quy định nếu bị tai nạn, bị thảm họa thiên tai mà sau 1 năm kể từ ngày bị nạn nếu không có tin xác thực còn sống thì có quyền công bố người này đã chết. Tuy nhiên, trong đơn TAND TP Tam Kỳ nhận trước đó, bà Miên lại yêu cầu tuyên bố mất tích. Vì vậy, TAND đã hướng dẫn gia đình phải thông báo việc mất tích trên các phương tiện thông tin đại chúng như quy định.

Ông Lộc cho biết gia đình bà Miên nộp đơn yêu cầu tuyên bố người thân đã chết thì không phải qua trình tự và mất tiền bạc như trường hợp tuyên bố người mất tích. Ông Lộc khẳng định sẽ trực tiếp gọi điện mời bà Miên và bà Xanh đến cơ quan để hướng dẫn  làm thủ tục.

Không nên áp dụng luật cứng nhắc

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỏ ra hết sức bất ngờ khi nghe thông tin đến nay còn có người mất tích trong bão Chanchu chưa làm giấy báo tử. Theo ông Minh, cơn bão Chanchu đã cướp đi 86 người ở xã Bình Minh nên xã này còn có tên là “xã Chanchu”. “Tôi cũng là con của ngư dân nên hiểu được nỗi khổ của họ. Việc mất tích trong bão Chanchu là quá rõ ràng, việc gì phải áp dụng luật cứng nhắc”, ông Minh bày tỏ.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tam-nam-khong-lam-duoc-chung-tu-20140324230752318.htm

Theo Người Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm