Không còn sợ thua thiệt vì thương lái
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 1.500 tấn dưa của người dân tỉnh Quảng Ngãi đã được các “hiệp sĩ” Đặng Như Quỳnh, Trần Hữu Như Anh, Ngô Anh Tuấn và đông đảo các tình nguyện viên “giải cứu” với giá 3.000 đồng/kg. Từ thời điểm chính vụ thu hoạch dưa hấu đầy đồng mà không “bóng” người mua, nay đã vơi đi được 2/3. Chuyến xe dưa cuối cùng của chiến dịch “giải cứu” đã kết thúc vào ngày 18/4.
Anh Đặng Như Quỳnh cho biết, khi thương lái Trung Quốc trở lại và chấp nhận giá mua là 3.200 đồng/kg cho bà con, nhóm tự thấy trách nhiệm “giải cứu” đã hết, và đã đến lúc trả lại “trận địa” cho thương trường.
Thương lái Trung Quốc đã trở lại và đặt cọc tiền mua dưa cho bà con. Tuy nhiên, theo các “hiệp sĩ” và các nhóm tình nguyện viên, họ vẫn ở trong tư thế sẵn sàng. “Nếu các thương lái tiếp tục dùng chiêu dùng dằng ép giá thì chúng tôi sẽ vào cuộc ngay, để người trồng dưa không bị thiệt hại”, Đặng Như Quỳnh khẳng định.
Theo bà con nông dân, đầu vụ dưa năm nay, tại xã Tịnh Hiệp, thương lái Trung Quốc chỉ mua duy nhất 1 xe vài chục tấn với giá 4.700 đồng/kg, sau đó bỏ lửng... nên những người trồng dưa mới lâm vào cảnh hoang mang tột độ. Dưa ê hề ngoài đồng, vứt bỏ cho trâu bò ăn.
Có một điều mà người nông dân, ai cũng thấy là, trong khi nhiều bạn trẻ không quản khó khăn, tận tình “giải cứu” giúp người dân thì chính quyền địa phương vẫn “án binh bất động”. Nếu không có những hiệp sĩ, những người thương cảm, chia sẻ với người trồng dưa và các nhóm thiện nguyện... thu mua dưa với giá 3.000 đồng/kg, và nếu không có sự hưởng ứng của cộng đồng, không biết người trồng dưa miền Trung sẽ thiệt hại đến thế nào.
Đầu ra cho nông sản không khó
Ông Võ Việt Chính, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Dưa hấu chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, năm nào thương lái Trung Quốc mua thì được, năm không thì rớt giá thê thảm.
“Tôi biết Trung Quốc đã sang Campuchia thuê đất trồng dưa. Nên tương lai họ sẽ không tiêu thụ dưa của chúng ta nữa”, ông Chính lo lắng.
Bộ Công Thương trong cuộc giao lưu trực tuyến tổ chức ngày 18/4 cũng “tiết lộ”, dưa hấu hoàn toàn phụ thuộc và bị chi phối bởi thương lái Trung Quốc. Dưa chờ ở cửa khẩu, thương lái Trung Quốc lúc này mới lựa chọn chất lượng và ra giá, mọi thiệt thòi đều đổ lên đầu thương lái Việt Nam và người nông dân.
Để chuẩn bị kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, tới đây, Bộ Công Thương sẽ thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa các địa phương với đơn vị lưu thông. Trước mắt, Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM được xác định là thị trường tiêu thụ lớn.
Được các “hiệp sĩ” nhận mua dưa hấu giúp, người dân thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi tất bật thu hoạch. |
Trao đổi với các hiệp sĩ và các nhóm tình nguyện tham gia giải cứu dưa hấu, họ cho biết thị trường trong nước vẫn khát dưa. Nhiều địa phương ở phía bắc như Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hà Giang... không có dưa để mua, vì giá thành quá cao khi phải qua nhiều khâu trung gian.
“Hiệp sĩ” Đặng Như Quỳnh có ý tưởng sẽ thành lập nhóm phản ứng nhanh, để “giải cứu” nông sản cho bà con, nhất là khi mùa vải thiều sắp vào vụ thu hoạch. Nếu không thay đổi kênh tiêu thụ, rất có thể sẽ lại xảy ra tình trạng trong khi miền Trung và miền Nam không có vải để mua, vải lại ê hề trong vườn hoặc đắp mền ở cửa khẩu Tân Thanh như mọi năm”.
Kinh nghiệm từ vụ “giải cứu” dưa hấu cho thấy, thị trường nội địa có khả năng tiêu thụ sản phẩm nông sản là rất lớn. Mấu chốt là kênh phân phối, lưu thông còn quá nhiều khâu trung gian, chưa có đầu mối tổ chức, điều tiết thị trường. Nhiều doanh nhân trẻ cho biết, họ sẵn sàng nhập cuộc, bao tiêu nông sản. Họ cần có hành lang pháp lý, sự hỗ trợ của Hiệp hội Vận tải... để nông sản không còn ùn ứ.