Chấn thương xương khớp do tai nạn, thể thao là vấn đề thường gặp, không chỉ ở các vận động viên. Ngay cả với một người bình thường khi hoạt động, chơi thể thao cũng thường xuyên gặp phải các cơn đau, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất hoạt động và cuộc sống hàng ngày.
Thời điểm này, chúng ta sẽ phải đứng giữa việc cố gắng hoạt động trở lại hay nghỉ ngơi hoàn toàn mới tiếp tục vận động. Sự lo ngại này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tính chất công việc, hiểu biết, mức độ chấn thương.
Nghỉ hoàn toàn hay không?
Trao đổi với Zing, tiến sĩ y học thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Đại học Thể thao Bắc Kinh (Trung Quốc), bác sĩ thể thao của CLB bóng rổ Hanoi Buffaloes, cho biết điều này phụ thuộc vào quan điểm điều trị của mỗi bác sĩ. Tuy nhiên, TS Tuấn cho rằng ông thường yêu cầu các vận động viên (VĐV) hồi phục thông qua vận động trị liệu.
“Chúng ta không thể nghỉ hoàn toàn đến khi hết đau mới tập luyện. Nhất là với các VĐV, người chơi thể thao”, vị chuyên gia nói.
TS Tuấn nêu ví dụ một trường hợp gặp chấn thương và bị đau ở cổ chân trái. Trong trường hợp đó, ngay hôm sau, bệnh nhân có thể tập luyện với chân phải cũng như các khu vực xung quanh vị trí đau.
Việc nghỉ hoàn toàn sau chấn thương không phải giải pháp tối ưu cho sự hồi phục, thậm chí khiến cơ thể bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: yogendra_singh. |
Ông giải thích thêm: “Chúng ta cũng cần xác định rõ như thế nào là đau. Ví dụ, bệnh nhân gập cổ chân 90 độ thấy đau. Lúc này, chúng ta có thể yêu cầu người bệnh gập cổ chân tới 89 độ. Về cơ bản, chúng ta sẽ có một ‘pain free range’ (ngưỡng không đau) với mỗi người. Bệnh nhân sẽ cần cố gắng làm tất cả trong phạm vi không đau trước”.
Vị chuyên gia nhấn mạnh trong quá trình điều trị, chúng ta không thách thức khu vực đau. Hành động này có thể khiến người bệnh bị quá tải. Dẫu vậy, việc vận động vẫn là cần thiết.
“Với những trường hợp là vận động viên, người chơi thể thao, việc nghỉ đến hết đau hoàn toàn mới tập luyện trở lại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể cũng như thành tích thi đấu. Dễ hình dung, một người bình thường không vận động trong 2 tuần khi chạy trở lại đã có cảm giác yếu, gượng gạo hơn trước rất nhiều”, TS Tuấn nói.
Ngoài ra, việc nghỉ quá lâu còn tác động tới yếu tố thần kinh, song song với đó là nguy cơ tái phát chấn thương khi vận động trở lại.
Trị liệu chủ động nhưng có kiểm soát
Từ những lý do trên, TS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho biết việc vận động để trị liệu sẽ mang lại những hiệu quả tốt. Tuy nhiên, tất cả bài tập đều phải trong tầm kiểm soát của chuyên gia.
Vị chuyên gia cũng nêu ví dụ về trường hợp của Nguyễn Đường Quang Anh, vận động viên 24 tuổi của đội bóng rổ Hanoi Buffaloes. Quang Anh gặp phải một chấn thương nặng vào năm ngoái, dẫn đến dập dây chằng rách bán phần, đứng trước nguy cơ phải phẫu thuật.
“Lúc này, Quang Anh đứng giữa ranh giới phẫu thuật hay không. Nếu mổ, Quang Anh sẽ phải nghỉ thi đấu hoàn toàn trong khoảng một năm. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự nghiệp của một VĐV trẻ”, ông nói.
Việc trị liệu chủ động thông qua các bài tập sẽ giúp cơ thể hạn chế cơn đau, đồng thời duy trì hoạt động tập luyện, thi đấu. Ảnh minh họa: annie_spratt. |
Về mặt cá nhân, Quang Anh mong muốn tiếp tục thi đấu và đã được bác sĩ của đội hướng dẫn cùng sự hỗ trợ của TS Tuấn để tập luyện để thi đấu nốt mùa giải năm đó.
Tuy nhiên, sang đến mùa giải mới năm 2022, với nhiều nguyên nhân khác nhau, chấn thương lại tái phát. Mỗi lần ra sân, VĐV này lại có cảm giác đau. Tuy nhiên, mức độ của chấn thương lại chưa đến mức phải phẫu thuật.
“Đầu mùa, tôi và Quang Anh đã trao đổi và bắt đầu tập luyện để trị liệu. Sau khoảng 3-4 tháng, tình trạng của bạn có chiều hướng tích cực hơn. Đến nay, cảm giác đau không còn, Quang Anh cũng thi đấu tốt và được đăng ký cho đội hình xuất phát”, TS Tuấn thông tin.
Vị chuyên gia cho hay thông thường, với những trường hợp như của Quang Anh, các biện pháp thường được nghĩ đến là vật lý trị liệu, massage, châm cứu…
Tuy nhiên, định hướng tập luyện trị liệu của VĐV này là nỗ lực làm khỏe các cơ bắp xung quanh vùng chấn thương. Dưới sự hướng dẫn của TS Tuấn, cơ thể của Quang Anh có thể chuyển động đúng hơn, thích ứng với tần suất của VBA, nơi có rất nhiều tình huống va chạm nguy hiểm.
“Yêu cầu lúc này là giảm nguy cơ tái tổn thương, điều chỉnh lại cách di chuyển ở cổ chân, đầu gối”, TS Tuấn cho hay.
Theo đó, việc điều trị sẽ đòi hỏi bác sĩ theo dõi được người bệnh thường có các động tác, tư thế nào sai lệch dẫn đến chấn thương, từ đó điều chỉnh, tập luyện để các cơ bắp xung quanh khỏe hơn, từ đó giảm thiểu cảm giác đau.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Các phương pháp trị liệu bị động như massage, châm cứu, sóng ngắn… chủ yếu áp dụng cho những người ít vận động. Ngược lại, những người vận động buộc phải trị liệu chủ động thông qua tập luyện. Qua đó, chúng ta mới có thể thích nghi với chuyển động, từ đó đẩy nhanh quá trình hồi phục”.