Theo số liệu từ Cục Viễn thông, sau thời điểm 1/3, có thêm 130.000 thuê bao di động chuyển từ dạng trả trước sang thuê bao trả sau. Như vậy, kể từ sau khi Thông tư 47/2017/TT-BTTTT đi vào hiệu lực, mới chỉ có 0,1% số thuê bao trả trước chuyển thành thuê bao trả sau.
Thông tư 47 ra đời mục đích khuyến khích phát triển thuê bao trả sau, với việc siết khuyến mại từ 50% xuống còn không quá 20% với thuê bao trả trước. Trong khi đó, với thuê bao trả sau, nhà mạng được phép khuyến mại tối đa 50%.
40 ngày sau khi Thông tư 47 có hiệu lực, chỉ 0,1% số người dùng thuê bao trả trước chuyển sang dạng trả sau. Ảnh: Ngô Minh. |
Tuy nhiên, thống kê cho thấy quá trình phát triển thuê bao trả sau đang rất chậm, với tốc độ chuyển đổi 0,1% trong vòng 40 ngày sau khi Thông tư 47 có hiệu lực.
Đầu tháng 3, nhiều chủ thuê bao thể hiện bức xúc cho rằng việc siết khuyến mại nhằm hướng người dùng sử dụng thuê bao trả sau là động thái mang tính ép buộc của nhà mạng.
Cũng trong ngày cuối cùng thực hiện khuyến mại 50% cho thuê bao trả trước, các nhà mạng lớn ghi nhận doanh thu tăng gấp 4-5 lần những dịp khuyến mại trước đó, và tăng khoảng hơn 20 lần so với ngày không khuyến mại.
Nhưng ngay sau đó, doanh thu của các nhà mạng giảm mạnh, dẫn tới tổng doanh thu quý I nhiều biến động.
Cụ thể, ngoài Viettel có doanh thu không đổi so với cùng kỳ, hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone đều ghi nhận giảm nhẹ doanh thu. Các nhà mạng đưa ra nguyên nhân do Thông tư 47 siết khuyến mại có hiệu lực.
Tính tới tháng 12/2017, tổng số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng tại Việt Nam là hơn 120 triệu, trong đó thuê bao 2G hơn 75 triệu (gồm 70,5 triệu trả trước và gần 4,6 triệu thuê bao trả sau); thuê bao 3G là 44,8 triệu (trả trước là 40,78 triệu, trả sau là 40,65 triệu).
Đáng chú ý, số lượng thuê bao trả sau chỉ bằng một phần mười số thuê bao trả trước.