Du lịch Triều Tiên là cuộc phiêu lưu chỉ dành cho những ai muốn trải nghiệm sự mới lạ. Đó là một trong rất ít cách để tiếp cận đất nước này.
Nhưng cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier tuần trước có thể khiến khách du lịch suy ngẫm liệu sự mới lạ của đất nước biệt lập nhất thế giới có đáng giá hay không.
Chàng trai 22 tuổi bị kết án ở Triều Tiên do đánh cắp một băng rôn cổ động đã qua đời một tuần sau khi trở về Mỹ trong tình trạng hôn mê.
Otto Warmbier (ngoài cùng bên phải) trong chuyến du lịch Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Các diễn đàn du lịch trên mạng có những quan điểm trái ngược. Hoặc là người ta rất thích đến Triều Tiên hoặc là phê phán. Số phản đối lo ngại về an toàn và không thích việc Triều Tiên đang bị thế giới chỉ trích về chương trình hạt nhân.
Số muốn đi bị hấp dẫn bởi sự kỳ lạ của đất nước này và nói du khách sẽ an toàn nếu nghiêm túc theo mọi chỉ dẫn.
'Một đất nước kỳ diệu'
Các công ty du lịch thường quảng cáo tương tự, gọi đây là "một đất nước biệt lập và kỳ diệu", "một trong những nơi cuối cùng còn hoang sơ trên thế giới" hay "một trải nghiệm siêu thực nhớ đời".
Hiểu được những lo ngại, các công ty du lịch đều nhấn mạnh du lịch Triều Tiên an toàn.
Du khách đặc biệt muốn tham quan các buổi lễ diễu hành và kỉ niệm ở Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên sau cái chết của Warmbier, các công ty du lịch mà BBC liên hệ đều không muốn nói chuyện, chỉ nhắc lại các thông cáo trước đó mà không cung cấp thêm thông tin. Vụ việc này có thể gây thiệt hại cho việc kinh doanh của họ.
Cậu sinh viên người Mỹ đặt tour qua Young Pioneers (Người trẻ tiên phong), một công ty đặt trụ sở ở Bắc Kinh do ông Gareth Johnson người Anh thành lập năm 2008.
Công ty tập trung chủ yếu vào Triều Tiên nhưng cũng tới vài điểm đến mới lạ khác như khu cách ly sau vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine, quảng bá nó với hashtag #darktourism (du lịch bí hiểm).
Young Pioneers đã đưa ra thông báo bày tỏ "chia buồn sâu sắc" tới gia đình của Warmbier, và nói cách mà cậu ấy bị giam giữ "thật kinh khủng".
Trao đổi với trang tin nknews.org, công ty này nói vẫn tin đây là đất nước an toàn nếu du khách cẩn trọng. Họ cũng chỉ ra vụ bắt giữ Warmbier là duy nhất trong 10 năm qua, và họ đã đưa hơn 8.000 du khách tới đây.
Andre Wittig của công ty du lịch Pyongyang Travel trụ sở ở Berlin, Đức đồng quan điểm Triều Tiên là nơi an toàn với du khách. "Chưa có một lần nào chúng tôi gặp những tình huống khó khăn", ông nói với BBC.
Dù nhấn mạnh không thể để bi kịch của Warmbier lặp lại lần nữa, nhưng ông không nghĩ vụ việc này sẽ làm giảm lượng du khách ngày càng tăng tới nước này.
Cấm du khách Mỹ
Young Pioneers nói trong tuyên bố sẽ không nhận du khách người Mỹ đến Triều Tiên. Các công ty du lịch khác đi Triều Tiên cũng tuyên bố tương tự, và đang cân nhắc liệu họ có nên nhận du khách người Mỹ hay không.
Thông thường, người Mỹ đến thăm Triều Tiên là hợp pháp, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân của mình không đến đó và đang cân nhắc cấm hẳn việc này.
"Chúng tôi đang đánh giá có nên giới hạn đi lại tới Triều Tiên hay không", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói. "Chúng tôi chưa đi đến kết luận, nhưng đang cân nhắc".
Trong khi đó ông Fred Warmbier, cha của sinh viên Otto Warmbier, đã kịch liệt lên án các công ty du lịch đã "lùa" khách Mỹ tới Triều Tiên, qua đó đem lại "những con mồi cho Triều Tiên, và con trai tôi tự dưng trở thành con mồi".
Căng thẳng leo thang
Trong khi tour đi Triều Tiên vẫn còn là thị trường ngách, chúng đã mang lại cho nước này nguồn thu đều đặn.
Các số liệu khó tiếp cận và thiếu tin cậy, nhưng có ước tính khoảng 100.000 người đến thăm nước này trong năm ngoái. Đa số là người Trung Quốc, và số còn lại ước tính là 8.000 tới 10.000 người một năm.
Ngoài những tour phổ biến đưa du khách đi quanh thủ đô, đã có đề xuất mở rộng các hoạt động du lịch "bình thường hơn" và không nhắm tới những điểm lạ lùng của đất nước đóng cửa với thế giới này. Những trò như lướt sóng ở những bãi biển cát trắng xa xôi hoặc trượt tuyết ở những resort mới xây trên núi.
Nhưng cái chết của sinh viên Warmbier xảy ra trong lúc căng thẳng leo thang giữa Triều Tiên và Mỹ - và có thể sẽ đổ thêm dầu vào lửa.
Việc Bình Nhưỡng thử hàng loạt tên lửa và phát triển đầu đạn hạt nhân đã khiến Mỹ biến Triều Tiên thành ưu tiên hàng đầu, và Washington đang thúc giục Trung Quốc gây áp lực lên đồng minh của mình.
Căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đang leo thang. Ảnh: Reuters. |
Và du lịch cũng sẽ chịu ảnh hưởng của sự bất trắc. "Chúng tôi thấy số đặt tour thay đổi mỗi khi Mỹ và Triều Tiên căng thẳng - rõ ràng điều này gây hoang mang cho du khách", ông Wittig giải thích.
"Khi chính quyền ông Trump ở Washington bắt đầu giọng điệu đe dọa, như ám chỉ chiến tranh, du khách càng lo sợ về du lịch Triều Tiên".
Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng sẽ bắt giữ du khách một cách tùy tiện để dùng làm quân tốt trên bàn cờ ngoại giao. Như vậy, du khách Mỹ sẽ rơi vào tầm ngắm".
Hiện nay, đang có 3 công dân Mỹ bị giam cầm ở Triều Tiên, gồm một doanh nhân và hai giảng viên của một trường đại học ở Bình Nhưỡng.