Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sáu cách phát triển danh tiếng cho ông Trump khi rời Nhà Trắng

Nếu phải rời Nhà Trắng, các chuyên gia tin rằng Tổng thống Trump sẽ không sống lặng lẽ như những người tiền nhiệm, mà ông sẽ tận dụng danh tiếng để phát triển kinh doanh.

Sau khi rời nhiệm sở, đa phần các cựu tổng thống Mỹ sống lặng lẽ hơn. Trong khi ông Jimmy Carter dành thời gian xây nhà, ông George W. Bush quay về với thú vui hội hoa, thì nhà Obama tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia và cựu quan chức từng làm việc trong chính quyền Trump nói với Politico rằng cuộc sống "hậu Nhà Trắng" âm thầm như vậy không hợp với đương kim Tổng thống Donald Trump,

Ông Trump là người khác biệt hẳn so với những tổng thống tiền nhiệm. Vì vậy, không khó để dự đoán những nguyên tắc, khuôn mẫu cuộc sống của các cựu tổng thống Mỹ sẽ không thể áp dụng trong trường hợp ông Trump kết thúc nhiệm kỳ.

"Điều này có nghĩa là kể từ phút đầu tiên, kỷ nguyên 'hậu Tổng thống Trump' sẽ không giống với bất cứ thời kỳ nào mà nước Mỹ, hay thậm chí thế giới, đã trải qua", Politico bình luận.

1. Ông Trump có thể ra tự truyện

Ra tự truyện là kế hoạch khả thi đầu tiên có thể thực hiện ngay với bất kỳ cựu tổng thống nào. Tuy nhiên, vị tỷ phú ít khả năng sẽ nhận được khoản tiền kỷ lục cho cuốn tự truyện nếu so với các cựu tổng thổng Mỹ khác.

George W. Bush, tổng thống Mỹ thứ 43, bán bản quyền tự truyện của ông với giá 10 triệu USD. Đây là con số khiêm tốn so với các cựu tổng thống khác, bởi ông không phải là nhà lãnh đạo nhận được nhiều sự mến mộ.

Mặc dù vậy, tự truyện của cựu Tổng thống Bush bán được hơn 2 triệu bản chỉ trong một tháng, một con số gây kinh ngạc.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle kiếm được khoảng 60 triệu USD nhờ bán bản quyền tự truyện.

ong Trump se lam gi neu that cu anh 1

Xuất bản tự truyện có thể mang về hàng triệu USD cho ông Trump. Ảnh: Getty.

Theo Politico, những người trong giới xuất bản dự đoán một nhà xuất bản có thể mua bản quyền tự truyện của ông Trump với giá tương tự của cựu Tổng thống George W. Bush.

Dự đoán này là có cơ sở, bởi những cuốn sách chỉ trích Tổng thống Trump do John Bolton, Bob Woodward, hay Mary Trump viết ra đều bán chạy hơn hẳn so với những cuốn sách ca ngợi ông.

Cuốn sách của chính Tổng thống Trump sẽ thu hút sự chú ý lớn từ những người ủng hộ ông. Nhưng ít có khả năng nó sẽ trở thành cuốn sách bán chạy như là tự truyện của bà Michelle Obama.

Bên cạnh đó, việc phong cách tổng thống gây tranh cãi của ông Trump cũng khiến các nhà xuất bản lưỡng lự khi đặt cược quá lớn vào một cuộc đấu giá bản quyền tự truyện.

"Tuần hành và biểu tình phản đối có thể xuất hiện ở nhiều nơi. Tôi nghi nhiều nhà xuất bản sẽ không tham gia. Nếu chỉ có hai, ba nhà xuất bản tham gia đấu giá, họ có thể trả bao nhiêu họ muốn", nguồn tin trong giới xuất bản nhận xét.

Mặc dù cái tên Donald Trump cũng có thể hấp dẫn nhiều nhà xuất bản của phe bảo thủ, những nội dung trong quyển tự truyện có thể tạo ra bất đồng giữa ông Trump và biên tập viên. Vì vậy, ông Trump có thể cân nhắc bỏ qua các nhà xuất bản và tự xuất bản tự truyện.

"Ông ấy sẽ có thể nói bất cứ điều gì, chính xác theo cách ông ấy muốn, mà không phải chịu sức ép từ biên tập viên hay luật sư của bên xuất bản", Politico nhận xét.

2. Xây Thư viện Tổng thống Trump

Một hoạt động nhiều khả năng được ông Trump ưu tiên sau khi rời nhiệm sở chính là thành lập thư viện tổng thống và các kho lưu trữ mang tên mình.

Những mô hình như vậy thường trở thành trọng tâm đối với một cựu tổng thống. Chúng vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa có giá trị tôn vinh, lại là nơi các cựu tổng thống làm việc.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2002 nhờ các đóng góp của ông thông qua Trung tâm Carter đặt tại bang Georgia.

Thư viện của một cựu tổng thống được dựng lên để củng cố di sản của vị tổng thống đó để lại. Đây đều là các dự án hoành tráng và tốn kém. Thư viện Tổng thống Obama ở Chicago dự kiến cần huy động 500.000 USD từ các nhà tài trợ tư nhân, dù hầu hết kho lưu trữ đều dưới hình thức điện tử.

Trong khi thư viện các tổng thống Mỹ tập trung vào định hình di sản lịch sử, có vẻ thư viện của Tổng thống Trump sẽ tập trung vào thương hiệu cá nhân của bản thân ông.

Các thư viện tổng thống và trung tâm liên kết thường được vận hành theo hình thức phi lợi nhuận, hoặc được hỗ trợ ngân sách từ đơn vị nhà nước như Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Các thư viện này thu hút hàng trăm nghìn khách đến thăm mỗi năm.

"Đây là vấn đề về cái tôi. Trong thâm tâm ông ấy muốn Thư viện Trump sẽ lớn nhất, rộng nhất, hoành tráng nhất, có nhiều người tới thăm nhất", nhà báo Nancy Gibbs bình luận.

ong Trump se lam gi neu that cu anh 2

Những hình ảnh có thể xuất hiện tại thư viện tổng thống mang tên ông Trump. Ảnh: Getty.

Có khả năng thư viện tổng thống mang tên ông Trump sẽ trở thành nơi hoạt động vì lợi nhuận, với sự xuất hiện thường xuyên của thành viên gia đình Trump, các buổi phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình, cùng đồ lưu niệm mang thương hiệu Trump.

Nhiều thư viện tổng thống có bản sao Phòng Bầu dục - nơi làm việc của những ông chủ Nhà Trắng. Thư viện Tổng thống Trump nhiều khả năng cũng sẽ có công trình này, với một số nâng cấp theo phong cách đặc trưng của vị tổng thống thứ 45 như nội thất mạ vàng, vòi hoa sen áp suất cao trong phòng tắm.

3. Làm gương mặt đại diện của đảng Cộng hòa

Các đời cựu tổng thống của hai đảng Cộng hòa - Dân chủ thường giữ im lặng và không bình luận về chính trị, ít nhất trong giai đoạn đầu sau khi rời nhiệm sở.

Tháng 3/2009, trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách cựu tổng thống, George W. Bush nói sẽ không chỉ trích ông Obama.

Trong 2 năm đầu tiên sau khi hết nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Obama cũng giữ im lặng, không bình luận về chính quyền của Tổng thống Trump.

"Sự thật là tôi cũng đã có ý định sẽ đi theo truyền thống của các đời tổng thống đáng kính, rời xa sân khấu chính trị và nhường chỗ cho tiếng nói mới, ý tưởng mới", ông Obama nói năm 2018 sau khi lần đầu trở lại với công chúng.

"Có khả năng ông Trump sẽ quên đi Twitter, chôn vùi tài khoản @realDonaldTrump, sống cuộc sống lặng lẽ, đánh golf với bạn bè ở Mar-a-Lago. Nhưng khả năng này rất thấp. Ông ấy muốn công chúng chú ý, nên có thể tạo ra một thực tế mới: tân tổng thống sẽ bị người tiền nhiệm liên tục chỉ trích", Politico bình luận.

Đảng Cộng hòa càng khó quay lưng với Tổng thống Trump sau khi ông rời Nhà Trắng.

Và nếu đảng Cộng hòa thất bại lớn trong bầu cử Thượng viện thì ông Trump sẽ càng tiếp tục kiểm soát các chính trị gia còn lại trong đảng.

Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump chứng kiến sự xáo trộn đáng kể về nhân sự của đảng Cộng hòa tại thủ đô cũng như trên toàn quốc. Trong số 241 đảng viên Cộng hòa làm việc ở bộ máy hành chính Mỹ vào tháng 1/2017, chỉ còn 50% vẫn còn tại vị cho tới nay.

ong Trump se lam gi neu that cu anh 3

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump sẽ tiếp tục có tiếng nói quan trọng với đảng Cộng hòa. Ảnh: AP.

Thất bại vào ngày 3/11 sẽ khiến đảng Cộng hòa mất thêm các hạt chiến trường và chỉ còn lại những thành trì vững chắc chưa từng lung lay. Điều đáng nói là tỷ lệ ủng hộ ông Trump ở những nơi này lại cao ngất ngưởng.

Vì vậy, đại diện đảng Cộng hòa tại các hạt này sẽ không liều lĩnh quay lưng lại với ông Trump.

Khi đó, ông Trump, cùng những dòng tweet đầy sức ảnh hưởng và danh sách các nhà tài trợ, sẽ trở thành gương mặt đại diện đáng tin cậy nhất của đảng Cộng hòa.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều khả năng cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 và cuộc chạy đua tổng thống 2024 sẽ chứng kiến đảng Cộng hòa phụ thuộc nặng nề vào ông Trump.

Đó là chưa kể ảnh hưởng từ các thành viên khác trong gia đình ông Trump, như hỗ trợ của Ivanka cho chiến dịch tái tranh cử của các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong năm 2022 hoặc thậm chí là 2024.

4. Xây dựng đế chế truyền thông riêng

Tổng thống Trump muốn tiếng nói của mình sẽ tiếp tục được lắng nghe sau khi rời Nhà Trắng. Đó là lý do ông sẽ tìm kiếm một công cụ để duy trì giao tiếp thường xuyên với những phong trào mà ông ủng hộ trong 4 năm qua.

"Ông ấy sẽ làm điều mà ông ấy giỏi. Ông ấy là một thiên tài trong thu hút sự chú ý, mong muốn được chú ý liên tục, đồng thời đặc biệt giỏi trong duy trì và điểu khiển sự chú ý", một chuyên gia bình luận.

Tin đồn về việc gia đình ông Trump tìm cách xây dựng đế chế truyền thông riêng không còn là chuyện mới mẻ. Một số thông tin cho biết gia đình ông Trump từng có kế hoạch thành lập "Trump TV" nếu thua trong cuộc bầu cử năm 2016.

Đầu năm nay, nhiều nguồn tin cho biết nhà Trump và các nhà tài trợ quan tâm đẩy mạnh quan hệ với hãng tin One America News (OAN) - đối thủ mới nổi của Fox để phục vụ khán giả bảo thủ.

Tuy nhiên, thành lập một công ty truyền thông là công việc đồ sộ và đòi hỏi chi phí đầu vào khổng lồ. Việc thành lập và vận hành một công ty truyền thông như vậy không phù hợp với tính cách của ông Trump.

Trong khi đó, duy trì tương tác qua truyền thông là một phần không thể thiếu nếu ông Trump mong muốn tiếp tục củng cố thương hiệu của mình.

Do vậy, chương trình truyền hình với sự xuất hiện của ông Trump là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

ong Trump se lam gi neu that cu anh 4

Tổng thống Trump từng là người điều hành chương trình Apprentice của NBC. Ảnh: Getty.

"Ngay cả nếu bị đảng Cộng hòa quay lưng, ông Trump vẫn có nhiều cách để đến với cử tri ủng hộ", một chuyên gia đánh giá.

Tổng thống Trump có thể gây rắc rối cho người kế nhiệm nếu quyết định trở thành tiếng nói cho các sĩ quan tình báo hoặc quan chức quân đội bất mãn muốn chỉ trích Nhà Trắng.

Năm 2016, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani giúp đỡ các đặc vụ FBI lên tiếng khi những người này bất mãn với cách cơ quan điều tra liên bang xử lý vụ việc email cá nhân của bà Hillary Clinton.

"Nếu ông Biden thắng cử và tạo ra một phiên bản tồi hơn của chính quyền Obama - một nước Mỹ đi khắp nơi xin lỗi, tôi hoàn toàn tin là ông Trump sẽ trở thành đại diện cho những tiếng nói chỉ trích", một cựu quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho biết.

5. Đẩy mạnh việc kinh doanh của gia đình

Là một tập đoàn kinh tế, Tập đoàn Trump chắc chắn sẽ ưu tiên các hoạt động thương mại thu về hàng triệu USD. Với tư cách cựu tổng thống, ông Trump có thể mang lại lợi ích lớn cho việc kinh doanh của tập đoàn ở nước ngoài.

Khi đã rời Nhà Trắng, không điều gì có thể ngăn cản ông Trump tham gia những hợp đồng béo bở khắp nơi trên thế giới. Chắc chắn nhiều quốc gia, công ty sẽ nóng lòng muốn hợp tác với cựu tổng thống Mỹ.

ong Trump se lam gi neu that cu anh 5

Tháp Trump (từ trái qua) ở Manila, Istanbul và Baku. Ảnh: Politico.

Ông Trump từng có một khách sạn ở thủ đô Baku (Azerbaijan), tháp Trump ở Moscow (Nga), hay các hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Nhiều khả năng công việc làm ăn của Tập đoàn Trump sẽ tiếp tục mở rộng ở nước ngoài, nhằm nhanh chóng giải quyết khoản nợ sắp đáo hạn lên tới 1 tỷ USD.

Trước năm 2016, Trump Organization đã trở thành một thương hiệu lớn. Sau nhiệm kỳ tổng thống vừa qua, thương hiệu Trump sẽ càng có giá trị, nên việc nhượng quyền thương hiệu Trump sẽ thu về lợi nhuận có thể lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều này giúp bảo đảm nguồn tiền mặt ổn định mà không cần quản lý thương hiệu.

6. Dự các sự kiện ở nước ngoài

Ông Trump có thể nhận lời tham dự sự kiện của các chính phủ nước ngoài. Đây là cách bày tỏ sự công nhận và tôn trọng từ người từng là tổng thống Mỹ.

Không ít quốc gia sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón ông Trump với nghi thức cấp nhà nước.

Có thể hình dung ông Trump sẽ xuất hiện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, phát biểu về những dự án hợp tác giữa Tập đoàn Trump và chính phủ các nước.

"Chúng ta thậm chí có thể tưởng tượng ông Trump sẽ tham gia các trận bóng rổ với nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng. Trong khi đó, tổng thống đương nhiệm đang tìm cách gây sức ép lên chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên", Politico bình luận.

Các tổng thống Mỹ thường đề nghị người tiền nhiệm đóng vai trò như nhà ngoại giao lưu động - những đại sứ không chính thức nhưng được sự kính trọng cao nhất.

Các ông Jimmy Carter và Bill Clinton là ví dụ điển hình. Cả hai đều được nhờ cậy tới Triều Tiên để thực hiện những cuộc đàm phán giải cứu rắc rối.

Nhưng khi người chiến thắng sau bầu cử là ông Joe Biden, ít có khả năng ông Biden sẽ nhờ cậy ông Trump giúp gỡ rối những vấn đề địa chính trị hóc búa. Tương tự, khả năng ông Trump sẽ nhận lời nếu được đề nghị là rất thấp.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã hỗ trợ thành công với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel với hai quốc gia Arab là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain.

Mặc dù vậy, chính sách của Nhà Trắng ở Trung Đông cũng phần nào gây tranh cãi khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, và phớt lờ tiếng nói của Palestines trong tiến trình hòa bình.

ong Trump se lam gi neu that cu anh 6

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Hà Nội được đưa tin trên truyền hình. Ảnh: Getty.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump thừa nhận khả năng sẽ bị những người tiền nhiệm tẩy chay.

"Tôi không hợp với họ, tôi là kiểu tổng thống khác", ông Trump nói.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump bỏ qua hầu hết tang lễ hay lễ tưởng niệm quan trọng.

"Khó có thể tưởng tượng ông ấy sẽ có mặt tại lễ an táng cấp nhà nước với tư cách cựu tổng thống. Ông ấy cũng ít có khả năng theo đuổi các dự án nhân đạo như Carter và Clinton, hay dành thời gian bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo trẻ như Obama, hay tiếp xúc các cựu binh bị thương như George W. Bush", Politico bình luận.

"Ông ấy không thích thú với những hoạt động như vậy. Ông Trump thích được ở cùng những người quý mến mình", một nhà báo từng phỏng vấn ông Trumpnois.

"Có lẽ, cựu tổng thống cũng chỉ như một công việc đối với ông Trump, như khi ông ấy chạy đua cho vị trí tổng thống. Đó là công việc vận hành theo ý thích của riêng ông Trump, chỉ chịu trách nhiệm với chính bản thân, có đội ngũ cố vấn riêng, và định nghĩa lại lại hầu hết khía cạnh truyền thống của một cựu tổng thống", Politico bình luận.

Zing từ Mỹ: Bất chấp kết quả, ông Trump vẫn chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2 Jesse Hardman của Zing cho biết đã 4 ngày kể từ khi Biden được công bố đắc cử, ông Trump tiếp tục hành động như thể sẽ có nhiệm kỳ 2 khi cho Nhà Trắng chuẩn bị ngân sách năm tới.

Cử tri Trump - Biden phá hoại biển hiệu của nhau trước bầu cử

Việc hàng triệu tấm biển ủng hộ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ bị đánh cắp hoặc phá hoại là dấu hiệu của không khí chính trị thù địch trước bầu cử.

TT Trump có thể tiếp tục vận động sau ngày bầu cử

Tổng thống Trump nhiều khả năng tiếp tục gặp gỡ và vận động cử tri sau ngày 3/11 nếu chưa có kết quả người chiến thắng cuối cùng.

Mỹ buộc tội 8 người liên quan 'Chiến dịch Săn cáo' của Trung Quốc

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 28/10 cáo buộc 8 cá nhân liên quan trực tiếp đến "Chiến dịch Săn cáo" do chính quyền Bắc Kinh phát động. Năm người trong số này đã bị bắt tại Mỹ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm