Người tiêu dùng Nhật đổ xô đi mua bim bim khoai tây dữ trữ. Ảnh: Nikkei. |
Sự thiếu hụt khoai tây chiên tại Nhật Bản đang nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng, trong đó người tiêu dùng đổ xô đi tìm những thứ còn sót lại của siêu thị và nhà sản xuất để tìm nguồn cung mới.
Theo Newsonia, giá bán online của các sản phẩm này đã bị đẩy lên gấp 6 lần mức thông thường.
Sự mất giá của cổ phiếu các hãng sản xuất bim bim là hậu quả tức thì của cuộc khủng hoảng này, ngay sau vụ mùa khoai tây thất thu ở Hokkaido, nơi cung cấp 80% sản lượng khoai tại Nhật. Vụ mùa tiếp theo phải đợi tới cuối tháng 5.
Hãng tin Nikkei cho rằng với nhiều người Nhật, đây là một dạng khủng hoảng đến hẹn lại lên. Trong 2 năm 2014 và 2015, nước này cũng đối mặt với việc thiếu hụt một mặt hàng thực phẩm cơ bản khác: bơ.
Cuộc khủng hoảng 2 năm trước do sự sụt giảm sản lượng sữa ở Hokkaido. Sự thiếu hụt gia tăng khi nhu cầu sản xuất bánh kẹo tăng lên trước Giáng sinh, khiến sản phẩm cung cấp cho nhu cầu ngườ tiêu dùng ít đi.
Hình ảnh kệ hàng trống trơn đang được chia sẻ như một xu hướng tại Nhật. Ảnh: Newsonia. |
Các khủng hoảng dạng này thu hút sự chú ý vào chính sách thương mại của Nhật. Thị trường nông sản của Nhật vẫn tương đối đóng cửa với một số sản phẩm, bao gồm bơ và khoai tây.
Nikkei cho rằng Tokyo thường xuyên quan ngại về chính sách bảo hộ của Trump, nhưng thực tế, khi đụng đến vấn đề nông sản, chính sách ở Nhật cũng tương tự.
2 nhà sản xuất khoai tây chiên lớn nhất của Nhật Bản là Calbee và Keike-ya đã dừng bán nhiều sản phẩm từ đầu tháng tư, và không biết khi nào có thể bán hàng trở lại. Trong khi Calbee tạm dừng bán 15 loại khoai tây chiên thì Keike-ya đã tạm dừng bán 9 loại.
Các doanh nghiệp sản xuất Nhật có nhập khẩu khoai tây nhưng gặp khó trong việc nhập khoai tây tươi trong điều kiện kiểm soát chặt của nước này. Việc nhập khẩu khoai tươi tại Nhật chỉ bắt đầu năm 2006, dưới áp lực của Mỹ, nhà xuất khẩu khoai tây chính.
Vấn đề không chỉ nằm ở nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Tại cơ sở của Calbee ở Hiroshima, nơi sản xuất khoai tây chiên từ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, nhà máy không có đủ công nhân để duy trì hoạt động.
Tại Hokkaido, ngày càng ít nông dân muốn trồng khoai tây, vốn đòi hỏi sự chăm sóc lớn.
Sự thiếu hụt này đã nhận được sự chú ý của các nông dân Mỹ và không quá lâu trước khi chúng ta sẽ chứng kiến một vài dòng tweet liên quan đến khoai tây Idaho.