Nam thanh niên 25 tuổi có triệu chứng đau vùng thượng vị, khó tiêu sau ăn... nhưng không đi khám. Khi bụng đau nhiều, ăn gì nôn đó, bệnh nhân mới tới viện. Bác sĩ phát hiện bụng anh này chướng, có dịch trong bụng.
Kết quả nội soi cho thấy anh có khối u gây hẹp dạ dày, thức ăn không trôi được xuống ruột non mà ứ đọng, khiến bệnh nhân cứ ăn vào là nôn.
Anh choáng váng khi bác sĩ thông báo ung thư dạ dày giai đoạn muộn, di căn phúc mạc. Bệnh nhân được phẫu thuật để giải quyết tình trạng hẹp dạ dày, sau đó điều trị hóa chất.
Một nam bệnh nhân 38 tuổi khác ở Hà Nội, chỉ cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu, ợ hơi, gần đây sút cân nhẹ, đi khám sức khỏe định kỳ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), anh tình cờ phát hiện mắc ung thư dạ dày.
PGS Hà thăm khám cho một bệnh nhân ung thư dạ dày, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: VietNamNet. |
PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho hay ở Việt Nam, ung thư dạ dày gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ di căn, nhưng có thể chữa khỏi hẳn nếu được phát hiện sớm. Cụ thể, tỷ lệ khỏi bệnh cao đến 72-92% với khối u nhỏ. Phát hiện càng muộn, tỷ lệ khỏi giảm dần.
Nhóm bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày từ các triệu chứng sớm, khối u nhỏ thường có triệu chứng mơ hồ, không rõ ràng. Dấu hiệu đặc trưng của nhóm này là ăn vào một chút cũng đầy bụng, chậm tiêu.
Theo vị chuyên gia, người bình thường nếu ăn một chút, chỉ 15 phút là tiêu hóa được. Nhưng bệnh nhân ung thư dạ dày có thể 2-3 tiếng vẫn chưa tiêu hóa hết, rất khó chịu.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn sớm cũng thường khó chịu vùng bụng trên rốn, đau tức, đau nhẹ, không phải cơn đau dữ dội, quằn quại. Một số bệnh nhân thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế.
Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân bị chướng bụng, có trường hợp còn khiến người khác tưởng đang mang thai, hoặc sờ thấy trên cổ nổi hạch.
Bệnh nhân bị ung thư dạ dày có biến chứng thường thấy có chảy máu, đó là khi khối u trong lòng dạ dày đã "ăn" vào mạch máu, làm đứt mạch máu khiến bệnh nhân nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen như nhựa đường. Biến chứng khác là khối u lớn có thể bịt mất đường ra của dạ dày, khiến bệnh nhân phải nôn ra ngoài, như trường hợp bệnh nhân 25 tuổi trên đây.
Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày cũng có biến chứng thủng thành dạ dày, dịch dạ dày chảy vào ổ bụng khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, sốt cao, phải mổ sớm trong 48 tiếng.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.