Liên Hợp Quốc mô tả khoản viện trợ được vận chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ giống như "phao cứu sinh" cho người Syria ở phía tây bắc nước này, theo Reuters.
Mười hai thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi Cộng hòa Dominica bỏ phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu thành công sau hai lần thất bại đối với các đề xuất của Nga và hai lần Nga, Trung Quốc dùng quyền phủ quyết cho các nghị quyết do Đức và Bỉ soạn thảo.
Trong tuyên bố chung, Đức và Bỉ cho rằng: "Chỉ giao hàng qua một cửa khẩu là không đủ, nhưng không cửa khẩu nào đáng để đánh đổi số phận của cả khu vực".
Một cậu bé cầm hộp các tông đựng thực phẩm viện trợ Chương trình Lương thực Thế giới ở Aleppo, Syria ngày 10/4/2019. Ảnh: Reuters. |
Khi Hội đồng Bảo an lần đầu tiên ủy quyền cho hoạt động viện trợ xuyên biên giới vào Syria vào năm 2014, hàng viện trợ cũng được vận chuyển từ Jordan và Iraq. Những cửa khẩu này đó đã bị cắt giảm vào tháng 1 do sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết Trung Quốc luôn cân nhắc việc cung cấp viện trợ xuyên biên giới, nhưng với tình hình hiện tại ở Syria, họ không phản đối "trong giai đoạn này". Ông nói thêm rằng hoạt động viện trợ "nên được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế".
Trong khi đó, đại diện của Nga ở Liên Hợp Quốc cho rằng: "Nga luôn ủng hộ việc giao hàng nhân đạo cho Syria với sự tôn trọng hoàn toàn đối với đất nước, chủ quyền lãnh thổ và toàn vẹn lãnh thổ và với sự phối hợp của chính phủ hợp pháp. Vấn đề này không nên được chính trị hóa".