Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân là chị L.T.K., 33 tuổi, trú tại Sa Phìn, Nậm Pồ, Điện Biên. Chị K. được phép xuất viện sáng 26/6, trong tình trạng sức khỏe ổn định. Cháu bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm nCoV từ mẹ.
Tiến sĩ Vũ Đình Phú, trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết đây là ca bệnh nguy kịch đòi hỏi yêu cầu chuyên môn rất cao, phối hợp chặt chẽ của nhiều bác sĩ chuyên khoa và lực lượng thầy thuốc.
Trước đó, chị K. phải thở máy 21 ngày liên tục và 9 lần lọc máu, kết hợp các biện pháp điều trị, chăm sóc tích cực. Từ ngày 13/6, bệnh nhân cai thở máy thành công. 6 ngày sau, sản phụ K. có những chuyển biến vượt trội, tỉnh táo hoàn toàn, ăn tiêu tốt và được tập vận động tại giường.
Đây là lần đầu tiên sản phụ K. mang thai sau 11 năm lấy chồng, thai IVF (lần 2) 35 tuổi. Bệnh nhân mắc Covid-19 do tiếp xúc F0, được cách ly từ ngày 4/5 và phát hiện dương tính vào ngày 13/5. Ngày 19/5, chị K. có biểu hiện sốt cao, tức ngực, khó thở nhiều nên được chuyển từ bệnh viện tuyến Điện Biên đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, chị K. được hội chẩn các chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Sản khoa, Ngoại khoa. Các bác sĩ tiên lượng hai mẹ con bệnh nhân K. nguy kịch do tình trạng suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi nặng nề, thai nhi 35 tuần, phù 2 chi dưới nhiều, theo dõi tình trạng tiền sản giật.
Đặc biệt, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng. Vì vậy, các thầy thuốc nhận định đây là ca bệnh rất phức tạp, hội chẩn chuyên khoa nhiều lần với mục tiêu cao nhất là bằng mọi cách cứu cả mẹ và con sản phụ K.
Sản phụ K. đã hồi phục, khỏi Covid-19 và được xuất viện vào ngày 26/6. Ảnh: BVCC. |
Sau 3 ngày điều trị tích cực, nhận thấy tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân nặng dần lên, nguy cơ suy thai do mẹ thiếu oxy, các bác sĩ đã hội chẩn chỉ định mổ cấp cứu lấy con vào ngày 21/5. Cháu bé 35 tuần tuổi nặng 2,6 kg chào đời khỏe mạnh và được chăm sóc theo dõi tại khoa Nhi.
Tại khoa Hồi sức tích cực, chị K. tiếp tục được hồi sức, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, thở máy với chế độ dành cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, ngày 22/5, tình trạng của bệnh nhân diễn biến nặng, có toan chuyển hóa.
Tiến sĩ Vũ Đình Phú sau khi hội chẩn bệnh nhân đã quyết định đặt máy thở kỹ thuật cao bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, kiểm soát nguyên nhân toan chuyển hóa, duy trì an thần giảm đau để bệnh nhân thở theo máy. Mục đích là hạn chế tổn thương phổi, duy trì thuốc chống đông máu theo mục tiêu điều trị, theo dõi đánh giá thường xuyên để điều chỉnh kịp thời các biện pháp điều trị.
Sau 8 ngày thở máy và 6 lần lọc máu liên tục, ngày 29/5, sức khỏe của bệnh nhân vẫn chưa có nhiều tiến triển, thậm chí chức năng phổi còn suy giảm nhiều, chỉ số chức năng phổi giảm nặng, ăn sữa qua sonde dạ dày không tiêu.
Bệnh nhân tiếp tục được thở máy qua mở khí quản, lọc máu thêm 3 lần nữa, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, điều chỉnh rối loạn điện giải, dinh dưỡng bổ trợ đường tĩnh mạch, chăm sóc tích cực, tập phục hồi chức năng, và các chăm sóc sản khoa. Sau nhiều nỗ lực của ê-kíp thầy thuốc, bệnh nhân đã khỏi Covid-19 và cùng con xuất viện vào ngày 26/6.
Cùng ngày, một trường hợp mắc Covid-19 nặng cao tuổi (60 tuổi), nhiều bệnh lý nền, đã hồi phục tốt và chuyển khỏi đơn vị ICU. Trong đợt bùng phát thứ 4, đây là ca Covid-19 nguy kịch thứ 17 tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hồi phục tốt và sức khỏe dần ổn định.
Ngoài ra, trong ngày 26/6, 6 ca mắc Covid-19 khác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khỏi bệnh và được ra viện trở về địa phương theo dõi theo quy định.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.