Những ngày qua, người dân miền Tây vẫn chưa hết râm ran chuyện hy hữu xảy ra tại TP Cần Thơ, khi rạng sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất, "liệt sĩ" Trương Văn Chóng trở về nhà sau 33 năm được cho đã hy sinh ở chiến trường Campuchia.
Trường hợp trên không phải lần đầu tiên "liệt sĩ trở về" ở Cần Thơ, mà 17 năm trước có một người được Tổ quốc ghi công đã về nhà trong sự ngỡ ngàng của một gia đình nghèo ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Trở về với duy nhất bộ quần áo rách
Bà Huỳnh Thị Kim Liên (65 tuổi) ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, cho biết gần 40 năm trước gia đình rất nghèo, không đất sản xuất. Thấy cha mẹ vất vả làm thuê để nuôi các con, em của bà là Huỳnh Liêu tình nguyện đi bộ đội ở chiến trường Campuchia khi ở tuổi 17.
Ông Huỳnh Liêu cùng người thân. Ảnh gia đình cung cấp. |
Gia đình bà Liên sau đó mất tung tích của Liêu. Đến năm 1995, Huỳnh Liêu được ghi tên vào bằng Tổ quốc ghi công và cha mẹ ông bắt đầu nhận chế độ của người có con là liệt sĩ.
"Khi gia đình nhận bằng Tổ quốc ghi công thằng Liêu thì mọi người tin chắc rằng em tôi đã hy sinh ở Campuchia nên lập bàn thờ. Vậy mà đến tháng 8 âm lịch năm 2001, khi bà con đang chuẩn bị lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer thì thằng Liêu đột ngột trở về", người chị kể.
Lúc đó, gia đình bà Liên không ai tin chuyện ông Liêu trở về sau 17 năm nhập ngũ rồi mất liên lạc. Và người nhà nhận ra mặt của ông Liêu nhưng họ cũng bán tín bán nghi vì giữa nhà là bàn thờ, trên vách thì treo bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ tên "liệt sĩ" Huỳnh Liêu.
"Thấy không ai tin nên trước mặt cha mẹ và mấy người bà con, em tôi kể một dọc tên ông bà nội, ngoại và chú bác, cô dì... Nó kể đến đâu gia đình khóc đến đó và khi vạch đầu Liêu ra để xem vết sẹo mà tôi gây ra thì mọi người mới tin đó là nó", bà Liên nhớ lại phút trùng phùng với "liệt sĩ" Liêu.
Mừng vui khi Huỳnh Liêu trở về nhưng mọi người không khỏi đau xót khi thấy ông không mang theo tài sản gì ngoài bộ quần áo rách mặc trên người. Lúc đó, xe ôm chở ông Liêu vào nhà cũng không lấy tiền vì họ thấy khách quá nghèo.
Dắt về quê đàn con nheo nhóc
Theo bà Liên, do mặc cảm nghèo khó, khi đó ông Liêu nói nếu gia đình không nhận hoặc chẳng ai nhìn ra thì sẽ quay về Campuchia. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra khi ông Liêu quỳ lạy cha mẹ, chị em theo phong tục của người Khmer và kể ra tên tuổi của tất cả những người thân.
Ngay trong đêm trùng phùng, bát hương trên bàn thờ ông Liêu được gia đình đập bỏ. Suốt hai tháng sau đó, gia đình liên tục có khách vì bà con xa gần đến chúc mừng "người trở về từ cõi chết".
Bà Huỳnh Thị Kim Liên kể chuyện đứa em "liệt sĩ". Ảnh: Nhật Tân. |
Không rành tiếng Việt, qua điện thoại với người phiên dịch từ Campuchia, ông Liêu kể rằng trong một trận đánh đầu năm 1979, ông bị thương ở chân và điếc một bên tai. Khi chạy vào rừng ông được người dân bản địa bó thuốc và cho ăn uống.
Khi hồi phục thì tôi mất liên lạc đơn vị, được bà con bên này cho ở nhờ để làm rẫy và chăn nuôi. Có một gia đình sau đó gả con gái cho ông và bà này là vợ ông bây giờ.
Điều bất ngờ nhất mà bà Liên kể về em trai là hai tháng sau khi tìm đường về quê, ông Liêu xin phép cha mẹ quay lại Campuchia để đón vợ với 8 đứa con về Cần Thơ. Khi xe đò từ Châu Đốc về Cần Thơ dừng lại ở bến xe Ô Môn, mọi người thấy các con của ông Liêu đứa nào cũng quấn xà rông.
"Nhìn đàn con của thằng Liêu mà bà con ai cũng hết hồn. 8 đứa con của nó đứa lớn còn có áo, đứa nhỏ thì ở trần. Lúc đó đứa nhỏ nhất còn bồng trên tay, bị kiến cắn khắp người", người chị nhớ lại.
Hai tháng sau đó, ông Liêu đưa vợ con trở lại Campuchia và sống đến nay. Vợ ông sinh thêm đứa con thứ 9 trước khi "liệt sĩ" về lại Cần Thơ lần nữa vào năm 2006 để chịu tang cha.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trường Lạc, cho biết khi ông Liêu trở về thì ông làm Xã đội trưởng. Sau khi ông Minh báo với chính quyền về trường hợp hy hữu này thì cơ quan chức năng của tỉnh Cần Thơ (cũ) đến xác minh gần một tuần mới hoàn tất các thủ tục công nhận ông Liêu còn sống.
Ngành chức năng sau đó thu lại bằng Tổ quốc ghi công và cắt chế độ hỗ trợ liệt sĩ của ông Liêu. Đối với những chế độ đã cấp trước đó cho cha mẹ ông Liêu, ông Minh cho biết gia đình này không bị truy thu.
Sau 33 năm mất tích khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, rạng sáng mùng 5 Tết, ông Trương Văn Chóng đập cửa nhà bà Nía và lớn tiếng gọi tên anh ruột là Tư Cao ở xã Định Môn, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Người em thứ tám của "liệt sĩ" tưởng hàng xóm say rượu đến quậy phá nên đuổi ông Chóng đi. Khi hai người đang cự cãi thì người mẹ xuất hiện. Ông Tư Cao sau đó chạy qua và chị ông Chóng cũng nhận ra người em mà gia đình lập bàn thờ từ năm 1985.
Phường Trường Lạc (màu đỏ) ở Cần Thơ. Anh: Google Maps. |