Theo nguồn tin của Caixin, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã chỉ thị cho những doanh nghiệp quản lý tài sản quốc doanh và gần 20 ngân hàng nước này hỗ trợ hàng chục tập đoàn địa ốc đang gặp khó.
Các chỉ thị được đưa ra trong bối cảnh tình hình thanh khoản của ngành bất động sản xấu đi. Nhiều nhà phát triển địa ốc đang chật vật tái cấp vốn và trả nợ. Trong khi đó, giới đầu tư và khách hàng không dám đổ tiền vào lĩnh vực đang lao dốc.
Một số thành phố và ngân hàng đã tìm cách hỗ trợ ngành địa ốc, sau khi doanh số bán nhà lao dốc mạnh trong vài tháng qua. Ảnh: Reuters. |
Giải cứu ngành bất động sản
Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã triệu tập đại diện của 18 ngân hàng thương mại và 5 công ty quản lý tài sản (AMC) lớn của nước này. Cuộc họp nhằm thảo luận về việc hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn địa ốc Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý đã liệt kê 12 công ty bất động sản lớn, bao gồm China Evergrande Group, Sunac China Holdings và Shimao Group Holdings.
Theo hướng dẫn của Bắc Kinh, các nhà băng và AMC có thể mua lại những khoản nợ của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc, hoặc cấp vốn cho hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành bất động sản.
Theo các nhà phân tích tại China International Capital, về mặt lý thuyết, việc mua lại những khoản nợ của các tập đoàn địa ốc sẽ cho phép AMC tái cấu trúc chúng, chẳng hạn bằng cách kéo dài thời hạn trả nợ.
Ít nhất 3 AMC đã và đang hành động để hỗ trợ ngành bất động sản. China Cinda Asset Management chỉ định 2 giám đốc điều hành vào ủy ban quản lý rủi ro của China Evergrande.
Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc chỉ thị cho những doanh nghiệp quản lý tài sản quốc doanh và gần 20 ngân hàng nước này hỗ trợ ngành bất động sản. Ảnh: Reuters. |
Còn Great Wall Asset Management đã được cho phép phát hành 10 tỷ NDT (tương đương 1,5 tỷ USD) trái phiếu để hỗ trợ các tập đoàn phát triển bất động sản gặp khó khăn. China Orient Asset Management cũng phát hành một trái phiếu trị giá 10 tỷ NDT nhằm cấp vốn cho ngành công nghiệp này.
Tại cuộc họp, 2 cơ quan quản lý Trung Quốc cũng chỉ đạo các ngân hàng "đảm bảo duy trì nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản một cách ổn định". Cùng với đó là "tránh dừng cho vay, buộc trả nợ trước hạn hay hoãn phát hành khoản vay" mà không có sự cân nhắc hợp lý.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Caixin, các tổ chức tài chính có thể không muốn hỗ trợ ngành công nghiệp này vì lo ngại rủi ro.
Một nguồn tin giấu tên cho biết các ngân hàng tránh cấp tín dụng cho những tập đoàn bất động sản đang gặp khó, bất kể các dự án của họ mang lại lợi nhuận ra sao.
Cuộc khủng hoảng địa ốc
Theo một công ty bất động sản, các AMC chỉ muốn mua những dự án bất động sản có lãi, mà không quan tâm đến việc tái cơ cấu nợ.
"Những hạn chế về vốn và rủi ro tập trung sẽ ngăn các AMC hỗ trợ thanh khoản trực tiếp cho những nhà phát triển bất động sản", các nhà phân tích tại Moody's Investors Service nhận định. Rủi ro tập trung là mức dư nợ cho vay được dồn cho một số khách hàng hay ngành kinh tế.
Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý kêu gọi hỗ trợ ngành công nghiệp bất động sản cho thấy rằng lập trường của Bắc Kinh đã thay đổi.
Lập trường của chính quyền Trung Quốc là cố ngăn những tác động tiêu cực từ lĩnh vực bất động sản lan sang toàn bộ nền kinh tế
Ông Gary Ng, nhà kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis
Các tập đoàn địa ốc Trung Quốc bắt đầu chao đảo sau khi giới chức nước này ban hành chính sách 3 lằn ranh đỏ hồi tháng 8/2020.
Chính sách này đặt ra giới hạn đối với nợ trên dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty, nhằm hạ đòn bẩy sau nhiều năm tăng trưởng ồ ạt bằng cách vay nợ chồng chất.
Các chính sách khiến ngân hàng dè chừng hơn trong việc cấp vốn cho những tập đoàn địa ốc. China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới - đã rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt và vỡ nợ hồi cuối năm ngoái. China Evergrande và tỷ phú sáng lập Hứa Gia Ấn từng được xem là một trong những biểu tượng cho sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. China Evergrande là tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới tính theo doanh thu vào năm 2017.
Các tập đoàn địa ốc khác của Trung Quốc cũng lao đao. Một số tập đoàn không thể trả lãi trái phiếu, một số khác vỡ nợ.
Theo Nomura, việc nới lỏng dây cương nhằm đối phó với tình trạng suy thoái nhanh chóng của thị trường bất động sản tại Trung Quốc. Doanh số bán nhà tại 30 thành phố lớn đã giảm 47% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
"Lập trường của chính quyền Trung Quốc là cố ngăn những tác động tiêu cực từ lĩnh vực bất động sản lan sang toàn bộ nền kinh tế", ông Gary Ng - nhà kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis - bình luận.
Nhưng theo giới quan sát, thị trường bất động sản của Trung Quốc khó trở lại đà tăng trưởng cao như trước đây. Cơn địa chấn hồi năm ngoái sẽ tạo ra sự "thay đổi mãi mãi" đối với lĩnh vực này.