TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã cho biết như vậy tại lễ hưởng ứng phòng chống viêm gan thế giới 2014 diễn ra ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngày 28/7.
Dễ lây nhiễm
Bác sĩ Vĩnh Châu dẫn ra báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2014 trên thế giới ước tính có 185 triệu người nhiễm siêu vi viêm gan C, mỗi năm có khoảng 3-4 triệu ca nhiễm mới và khoảng 350.000 trường hợp tử vong do viêm gan siêu vi C.
Một phần ba trong số những người viêm gan C mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan C được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” vì dễ lây nhiễm trong cộng đồng, hơn nữa hầu hết những người bị nhiễm siêu vi viêm gan C không có triệu chứng trong giai đoạn đầu mà có thể đến vài chục năm sau khi bệnh bùng phát hoặc gây biến chứng xơ gan, ung thư gan mới biết mình mắc bệnh.
Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng tỷ lệ bệnh viêm gan siêu vi C tại VN có chiều hướng gia tăng do phần lớn người dân chủ quan chưa tầm soát để tìm ra bệnh, còn bệnh nhân ít quan tâm theo dõi bệnh để được điều trị và phòng ngừa lây lan, do đó vô tình lây truyền mầm bệnh cho cộng đồng.
Hiện viêm gan siêu vi C có thể điều trị khỏi hoàn toàn không để lại di chứng nếu phát hiện sớm và tuân thủ liệu trình điều trị. Việc điều trị sớm khỏi bệnh sẽ giúp giảm nguồn lây. Đây chính là biện pháp tốt để hạn chế sự lây nhiễm siêu vi viêm gan C khi chưa có thuốc chủng ngừa.
Tầm soát kháng thể virút viêm gan C tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ngày 28/7. |
Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong khi bệnh viêm gan siêu vi B chủ yếu lây nhiễm từ mẹ sang con thì viêm gan siêu vi C lại chủ yếu lây qua tiếp xúc với máu, dịch tiết nên dễ lây nhiễm trong cộng đồng.
Những người tiếp xúc với máu như dùng bơm kim tiêm chung ngay cả khi một lần, tiếp xúc với kim tiêm, dịch nhầy có nhiễm virút viêm gan C, từng trải qua các thủ thuật y tế như truyền máu, các sản phẩm từ máu, lọc máu do suy thận, tái sử dụng kim tiêm, ống tiêm, ống thông hay các trang thiết bị y khoa khác, khám chữa răng với dụng cụ không tiệt trùng, châm cứu, chích lể, xăm da, các thủ thuật thẩm mỹ... đều có nguy cơ cao.
Phát hiện trễ, không điều trị được
Hiện nhiều người mới chỉ quan tâm đến xét nghiệm viêm gan siêu vi B mà thường bỏ quên viêm gan siêu vi C, TS.BS Lê Mạnh Hùng nhận xét như vậy. Trong khi viêm gan siêu vi C lại dễ bị lây trong cộng đồng và tỷ lệ tự khỏi bệnh cũng thấp hơn viêm gan siêu vi B. Có đến 90% người mắc bệnh viêm gan B có thể tự khỏi thì ở viêm gan siêu vi C con số này chỉ là 15-45%. Vậy khi nào cần điều trị bệnh viêm gan siêu vi C?
Bác sĩ Hùng cho biết sau khi xác định bệnh nhân dương tính với siêu vi C, các bác sĩ đề nghị người bệnh làm thêm một xét nghiệm nữa để định lượng siêu vi. Dựa vào kết quả định lượng siêu vi này, bác sĩ sẽ biết người bệnh từng bị nhiễm và tự khỏi hay đang nhiễm bệnh.
Những người từng bị nhiễm và tự khỏi sẽ không cần điều trị nhưng vẫn phải theo dõi định kỳ vì có một số trường hợp có thể tiến triển trở lại. Còn những người nhiễm siêu vi viêm gan C cần điều trị vì điều trị càng sớm càng hiệu quả.
Bác sĩ Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh bệnh viêm gan siêu vi C không có triệu chứng trong những giai đoạn đầu nên cách tốt nhất để phát hiện bệnh là nên được tầm soát và phòng bệnh bằng cách hạn chế những yếu tố lây bệnh như đã kể trên.
1.000 người được tầm soát viêm gan siêu vi C
Ngày 28/7, 1.000 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi viêm gan C đã được xét nghiệm tầm soát miễn phí tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Tại VN, ước tính có 15-20% dân số bị nhiễm siêu vi viêm gan B, C mãn, trong đó có nhiều trường hợp tử vong vì xơ gan và ung thư gan.
Đối với viêm gan siêu vi B, nhờ có chương trình tiêm ngừa viêm gan B nên số ca nhiễm mới siêu vi B đã giảm mạnh. Trái lại, số ca nhiễm siêu vi viêm gan C lại đang tăng.