Trong lộ trình nâng cao sức mạnh chiến đấu cho Không quân Nga, tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 sẽ có sức mạnh chiến đấu vượt trội với tên lửa không đối không tầm trung R-77M mới.
R-77M sở hữu radar điều khiển hỏa lực mạng pha kỹ thuật số, cho phép nó tiêu diệt mục tiêu ngay phát bắn đầu tiên. Radar mới cung cấp cho T-50 một phản ứng nhanh với mọi mục tiêu, ngay cả với những mục tiêu có khả năng cơ động rất cao.
PAK FA T-50, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Nga, sẽ có khả năng không chiến siêu việt với loại tên lửa không đối không R-77M mới. Ảnh: Izvestia |
Một chi tiết quan trọng khác là radar mới trên tên lửa R-77M hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn của hệ thống điều khiển kỹ thuật số trên tiêm kích thế hệ 5 T-50. Tên lửa được phát triển bởi Tổng công ty tên lửa chiến thuật, dự kiến tên lửa mới sẽ được thử nghiệm trong năm 2015.
Kỹ sư trưởng của dự án R-77M, ông Mikhail Vershinin, cho biết, họ đang tìm kiếm các nhà thầu phụ cho chương trình.
“Chúng tôi sẽ tổ chức lại công ty nhằm tạo ra hệ thống sản xuất thí điểm. Hiện tại chúng tôi đang tìm kiếm các nhà thầu phụ cho dự án”, ông nói.
Công ty tên lửa chiến thuật sẽ nâng cấp hai tòa nhà mới để tạo ra một trung tâm thử nghiệm. Tên lửa sẽ được thử nghiệm với hệ thống dẫn hướng kết hợp với mô hình máy bay để kiểm tra khả năng nhắm mục tiêu của tên lửa với mục tiêu chuyển động nhanh trong môi trường mô phỏng.
Tên lửa R-77M có thể tiêu diệt mục tiêu ngay trong phát bắn đầu tiên nhờ vào khả năng khóa mục tiêu chính xác của radar điều khiển hỏa lực mới. Đồ họa: eagle.ru |
Radar mạng pha mới bao gồm các mảng an-ten nhỏ. Mỗi mảng an-ten sẽ cung cấp một phần của tín hiệu mục tiêu. Nó sử dụng một bộ vi xử lý kỹ thuật số để cung cấp các thông tin kịp thời nhằm đối phó với các mục tiêu cơ động cao.
Ưu điểm chính của tên lửa R-77M là nó sẽ khóa mục tiêu và tự điều chỉnh sự vận động. Hệ thống định vị đa chiều từ mảng an-ten sẽ mang lại nhiều thông tin chính xác hơn về vị trí của mục tiêu, cho phép tên lửa lựa chọn vị trí tấn công phù hợp nhất.
Bất chấp những tiến bộ đáng kể trong công nghệ nhằm ổn định chi phí sản xuất nhưng radar mới trên tên lửa R-77M "ngốn" khá nhiều tiền. Thực tế ấy khiến người ta lo ngại nó sẽ không thể trở thành loại radar phổ biến.
Tuy nhiên, ông Alexander Hramchihin, phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga, lại có quan điểm khác về vấn đề này. Ông cho rằng một tên lửa được thiết kế để tiêu diệt máy bay đối phương không thể là một sản phẩm rẻ tiền.
“Việc sản xuất các thiết bị quân sự vốn đã rất tốn kém, nhưng đảm bảo được việc tiêu diệt mục tiêu ngay từ phát bắn đầu tiên là điều rất ý nghĩa", ông nói.
Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ cao Rosteh ông Andrei Zverev ca ngợi sự phát triển của dự án này. Ông cho rằng đây là cơ hội để Nga trở thành một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng các công nghệ mới để tạo ra một tên lửa có độ chính xác cao.
Nếu dự án R-77M thành công, tiêm kích tàng hình T-50 của Nga sẽ trở nên đáng sợ hơn. Khả năng tàng hình, cơ động cao, kết hợp với tên lửa siêu chính xác sẽ cho phép nó vô hiệu hóa những mục tiêu khó nhất.