'Sát thủ' phòng không tầm thấp của Việt Nam
9K35 Strela-10 là hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất trong lưới lửa tầm thấp bảo vệ bầu trời Việt Nam.
Trong 3 lớp phòng không (cao, trung, thấp) bảo vệ tổ quốc Việt Nam thì lưới tầm thấp tập trung nhiều hỏa lực nhất với súng máy phòng không (12,7 mm và 14,5 mm), pháo phòng không (23 mm, 37 mm, 57 mm) cùng tên lửa tầm thấp (9K32 Strela 2, 9K38 Igla, 9K35 Strela-10).
Trong đó, 9K35 Strela-10 được xem là một trong những tên lửa phòng không lợi hại nhất của lưới lửa tầm thấp bảo vệ bầu trời tổ quốc. Đây là hệ thống tên lửa tự hành do Liên Xô phát triển và viện trợ cho quân đội ta từ những năm 1980.
Hệ thống tên lửa 9K35 Strela-10 do phòng thiết kế cơ khí chính xác Tochmash KB nghiên cứu phát triển từ đầu những năm 1970 để thay thế cho hệ thống 9K31 Strela-1. Tới năm 1976, 9K35 Strela-10 chính thức được chấp nhận đưa vào trang bị.
Hệ thống phòng không tầm thấp 9K35 Strela-10 trong cuộc diễn tập bắn đạn thật TB1. |
Hệ thống tên lửa Strela-10 khá đơn giản, có thể tác chiến độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các khí tài phụ trợ, radar… cồng kềnh như các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa.
Toàn bộ hệ thống được triển khai trên khung gầm xe bọc thép đa dụng bánh xích MT-LB. Trên xe lắp đặt đài radar trinh sát 9S86 được lắp giữa 2 cặp hộp chứa tên lửa trên phương tiện phóng.
Hệ thống 9K35 Strela-10 sử dụng đạn tên lửa 9M37 (4 quả trên bệ sẵn sàng bắn và 8 đạn trong thiết bị nạp). Đạn tên lửa 9M37 dài 2,2 m, nặng 40 kg với đầu đạn nặng 3,5 kg. Tên lửa lắp động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ gần Mach 2, tầm bắn 500-5.000 m, độ cao 10-3.500 m.
Cùng với các biến thể cải tiến sau này, đạn 9M37 được điều khiển bằng đầu tự dẫn sử dụng hai phương pháp dẫn đường:
- Thứ nhất là dẫn đường tương phản ảnh, nghĩa là đầu tự dẫn quang – truyền hình trên tên lửa nhận diện mục tiêu và dẫn đường thụ động cho tên lửa. Thông qua độ tương phản sáng tối của mục tiêu trên nền địa hình, đầu tự dẫn sẽ xác định ánh sáng tương phản bao quanh vùng mục tiêu màu tối, màu xám trên nền chung và dẫn đường cho tên lửa tấn công.
- Thứ 2 là dùng đầu tự dẫn hồng ngoại bám theo nguồn nhiệt cao do mục tiêu phát ra.
Nhờ thiết kế hợp liý, 9K35 Strela-10 có những ưu điểm điển hình cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn. Khả năng cơ động cao khiến Strela-10 có thể tung ra những đòn tấn công bất ngờ cho đối phương, đồng thời cũng thích hợp làm vũ khí phòng không lục quân, hộ tống các đơn vị chiến đấu để bảo vệ không phận chiến trường.
Cùng với đó, phương pháp dẫn đường hiệu quả dựa trên đầu tự dẫn tương phản ảnh và hồng ngoại mang đến cho tổ hợp Strela-10 khả năng tác chiến độc lập rất cao, không cần nhiều khí tài hỗ trợ cồng kềnh như các hệ thống phòng không tầm trung và xa.
"Rồng lửa" mini 9K35 Strela-10 rời bệ phóng tấn công mục tiêu trong diễn tập TB1. |
Hệ thống 9K35 Strela-10 đã được thử thách qua cuộc chiến Vùng vịnh 1991, với vai trò phòng không chiến trường cho các sư đoàn vệ binh Cộng hòa Iraq.
Trước một đối thủ có công nghệ cao là lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu, Strela-10 đã chống trả có hiệu quả trước các thủ đoạn chế áp phòng không của kẻ địch, bắn trúng 27 máy bay, gây thiệt hại đáng kể cho không quân Mỹ.
Theo số liệu viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), giai đoạn 1985-1986, Việt Nam nhận tổng cộng 20 hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp 9K35 Strela-10 (NATO định danh SA-13 Gopher) cùng 500 quả đạn tên lửa.
Theo Kiến Thức