Ngày 21/10, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sau khi gần 6 km đê biển Tây (ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời) bị sạt lở.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với hai huyện trên khoanh vùng khu vực nguy hiểm để thiết lập hành lang an toàn, bố trí lực lượng trực, xây dựng phương án bảo vệ đê…
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (áo vàng) khảo sát tình trạng sạt lở đê biển Tây. Ảnh: Thanh Minh. |
Ngoài ra, UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh được giao trách nhiệm sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực đặc biệt nguy hiểm, cấm mọi tác động vào rừng ở khu vực sạt lở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, 5 đoạn đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng có tổng chiều dài gần 6 km. Sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu di tích Đá Bạc, các trạm biên phòng, khu tưởng niệm nạn nhân bão Linda và nhiều khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế.
Sạt lở còn uy hiếp 1.420 ha lúa và hệ thống điện trung thế. Tổng chi phí đề nghị khắc phục tại 5 đoạn đê này gần 70 tỷ đồng.
Một ngày trước, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ngành và địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ khi xảy ra bão số 5 vào giữa tháng 9 đến nay, tỉnh này có 18 căn nhà sập, tốc mái 56 căn; ngập 20.981 ha lúa, 267 ha rau màu và 3.806 ha nuôi trồng thủy sản.
Mưa liên tục và triều cường gây ngập nhiều tuyến đường, hư hỏng cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông. Nghiêm trọng nhất là các tuyến đường ở TP Cà Mau. Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau đã phối hợp với các xã, phường đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Những nơi ngập sâu có lực lượng trực để hướng dẫn người dân đi lại an toàn.