Sáng 16/7, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 1.438 bệnh nhân Covid-19 tại 18 tỉnh, thành phố. Trong đó, số bệnh nhân mới ở TP.HCM là 1.071.
Trước tình hình số lượng ca mắc mới gia tăng nhanh chóng, Bộ Y tế đã cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 6, ban hành ngày 14/7.
Đường lây của SARS-CoV-2
So với phiên bản cập nhật vào cuối tháng 4, trong lần cập nhật mới nhất, Bộ Y tế đã bổ sung SARS-CoV-2 lây qua đường không khí bên cạnh giọt bắn, hạt khí dung hay qua tiếp xúc trực tiếp.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết điều này cần phải được hiểu đúng. Virus chỉ có thể lây lan trong không khí nhưng trong không gian kín. Trong không gian mở, nhờ ozone, hạt sương mù, gió, khả năng truyền nhiễm sẽ được giảm bớt.
Do đó, ông Nhung nhấn mạnh F0 không được ở trong không gian kín và dùng điều hòa trung tâm. Khuyến cáo của Bộ Y tế cũng chỉ rõ F0 cần ở những nơi thông thoáng, cửa sổ mở, chỉ dùng điều hòa riêng.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) giải thích virus gây bệnh Covid-19 không thể tồn tại trong không khí mà luôn nằm trong giọt bắn (dịch hầu họng, nước bọt của người mắc bệnh). Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí, dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn.
Các F0 điều trị tại nhà cần đảm bảo nhiều quy định nghiêm ngặt. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông nhấn mạnh nCoV lây nhiễm qua các đường sau:
- Mặt đối mặt dưới 2 m, một trong 2 người không mang khẩu trang đúng cách.
- Bàn tay bệnh nhân bị bám giọt bắn có chứa virus và đưa bàn tay lên vùng mũi miệng. Trước đây, người nhiễm cần nhiều giọt bắn bám vào tay đưa lên vùng mũi miệng mới lây. Hiện, ít giọt bắn cũng dẫn đến nhiễm.
- Trong phòng nhiệt độ lạnh, kín nên không khí tù, không thông thoáng. Người nhiễm bệnh không mang khẩu trang đúng nói chuyện, thở, ho, hắt hơi đưa giọt bắn có chứa virus vào phòng. Người khác đi vào không mang khẩu trang, hít vào sẽ lây.
- Người thường dù có mang khẩu trang, virus bám vào bàn tay. Khi cầm nắm các vật dụng trong phòng, họ đưa lên mũi, miệng vẫn nhiễm bệnh. Trước đây, tải lượng virus lơ lửng ở mức độ cao mới lây, hiện ít vẫn có khả năng này.
Do bản chất của virus là nằm trong giọt bắn, việc F0 đeo khẩu trang sẽ giúp ngăn ngừa nguồn lây ra bên ngoài. Người dân đeo khẩu trang cũng là cách quan trọng để không nhiễm virus.
Cần tiết kiệm đồ bảo hộ
Là chuyên gia dịch tễ lâu năm tại TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến nghị thành phố phải tiết kiệm phương tiện phòng hộ. Theo ông, việc yêu cầu tất cả F0 mặc phương tiện phòng hộ kín mít là điều không cần thiết và không đúng tính chất lây lan của nCoV.
"Khi được phát hiện mắc Covid-19, sau đó đưa đến khu cách ly, người bệnh thường phải mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân. Tuy nhiên, điều này là sai. Chúng ta phải hiểu rằng đường lây của nCoV phải qua họng, không phải mồ hôi. Tức virus sẽ lây nhiễm thông qua giọt bắn từ họng. Do đó, F0 chỉ cần đeo khẩu trang để ngăn virus đó phát tán ra bên ngoài - ngăn con đường duy nhất", bác sĩ Khanh nói.
TP.HCM F0 không cần mặc đồ bảo hộ khi cách ly. Ảnh: Duy Hiệu. |
Như vậy, chúng ta cần dựa trên nguyên tắc người bắt buộc mặc đồ bảo hộ là để bảo vệ bản thân khỏi virus. Khi đã là bệnh nhân Covid-19, điều này trở nên không cần thiết. Các F0 chỉ cần mang khẩu trang đúng cách, kính che giọt bắn để không phát tán virus ra ngoài.
Theo bác sĩ Khanh, người cần mặc đồ bảo hộ chính là những nhân viên làm nhiệm vụ chở hoặc tiếp xúc gần F0. Vì vậy, việc bắt bệnh nhân mặc đồ bảo hộ là không đúng và gây tốn kém, nhất là trong bối cảnh các ca mắc ngày càng cao như hiện nay.
Ông cũng lưu ý F0 chỉ nên đeo khẩu trang y tế. Nhiều người quá cẩn thận nên đã sử dụng khẩu trang chuyên dụng như N95. Việc làm này vừa không cần thiết vừa gây ngộp thở khiến tình trạng của bệnh nhân nặng thêm.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh lưu ý các F0 cần giữ khoảng cách trên 2 m, luôn mang khẩu trang, tấm che giọt bắn vì có thể họ sẽ lây virus sang những người khác.
Ngoài ra, người nhiễm nCoV phải giữ vệ sinh chung, mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch, thường xuyên. Khi có triệu chứng bất thường, các bệnh nhân cần bình tĩnh, thông báo tình hình cho nhân viên y tế.
Với người dân nói chung, chuyên gia khuyến cáo chúng ta cần bỏ thói quen đưa tay lên vùng mặt. Đồng thời, người dân nên duy trì thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn bất cứ khi nào.