Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt chia sẻ quan điểm như vậy trong thời điểm chuẩn bị kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.
Chủ trương sớm kiện toàn lãnh đạo chủ chốt Nhà nước được thống nhất cao tại Hội nghị Trung ương 2. Theo đó, công việc quan trọng này được thực hiện trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào cuối tháng 3.
Zing ghi lại ý kiến của ông Phạm Thế Duyệt về kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của nhiệm kỳ mới sắp được kiện toàn.
Thời kỳ chuyển tiếp dài khiến mọi công việc không kịp thời
Từ khóa XII trở lại đây, Trung ương có quyết định rất phù hợp là sau Đại hội Đảng toàn quốc sớm kiện toàn nhân sự lãnh đạo của hệ thống chính trị, trước hết là Quốc hội và Chính phủ. Đây là chủ trương đúng đắn, rất tốt và kịp thời.
Đại hội Đảng toàn quốc luôn đặt vấn đề nhân sự là vấn đề quan trọng nhất, mục tiêu làm sao chọn được những người ưu tú để lo công việc của Đảng. Sau nhiều lần xem xét, bàn thảo, Đại hội đã đánh giá và chọn những cán bộ nổi trội, ưu tú.
Về phần nhân sự Đảng, Đảng có thể tự quyết định, Trung ương và Bộ Chính trị chủ động tổ chức, sắp xếp sớm để bộ máy hoạt động sau Đại hội hiệu quả nhất.
Nhưng với bộ máy Nhà nước phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trước đây, sau Đại hội Đảng vào tháng 1 thường chờ đến tháng 7, tức là sau 6 tháng, mới tiến hành kiện toàn bộ máy Nhà nước. Như vậy mất rất nhiều thời gian.
Việc kiện toàn sớm chức danh lãnh đạo Nhà nước là rất cần thiết vì thời kỳ chuyển tiếp quá dài sẽ khiến mọi công việc không được triển khai kịp thời. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Thời kỳ quá độ và chuyển tiếp giữa các đồng chí nghỉ công tác Đảng và các đồng chí mới được Đảng cử lo công việc của Nhà nước bị kéo dài nên mọi công việc sẽ không sát, không kịp thời. Vì vậy, kiện toàn sớm là rất cần thiết.
Với hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ và các tổ chức đoàn thể, cũng cần sớm hoàn chỉnh và có bố trí nhân sự để kịp thời lãnh đạo. Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo của Trung ương để triển khai Nghị quyết Đại hội ngay từ năm đầu, tháng đầu.
Vừa rút kinh nghiệm, vừa khắc phục khuyết điểm
Nhân dân rất kỳ vọng vào những lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Đảng, Nhà nước.
Các đồng chí lãnh đạo chắc chắn cân nhắc và nghiên cứu kỹ từng nhân sự để đưa ra phương án kiện toàn, sắp xếp nhân sự hợp lý, hiệu quả nhất. Việc sắp xếp cần được tính toán để những người giữ vai trò lãnh đạo có đủ năng lực, đồng thời đủ uy tín với người dân.
Những người được lựa chọn vào các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tới đây phải là những người tiêu biểu nhất. Và điều rất quan trọng là phải làm thế nào cho chính xác. Chúng ta lo trước mắt nhưng cũng phải lo lâu dài, bố trí cán bộ phải nghĩ đến cả khóa sau chứ không phải chỉ riêng khóa này.
Xét cho cùng, vai trò lãnh đạo có tính chất quyết định nên với những lãnh đạo chủ chốt, Trung ương bàn và quyết định lựa chọn những người xứng đáng.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 2, thống nhất giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Ở góc độ cá nhân, tôi mong các lãnh đạo chủ chốt sẽ cố gắng hiểu lòng dân, hiểu sự chuyển tiếp cán bộ của các lớp để bố trí không khiên cưỡng, thuận lợi cho các đồng chí hoạt động.
Nhìn lại khóa XI và XII, phải thẳng thắn nhìn nhận có những khi chúng ta bố trí, sắp xếp cán bộ sau Đại hội nhưng không đạt kết quả tốt. Điển hình là tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo được lựa chọn mắc sai lầm, khuyết điểm lớn, phải đưa ra xem xét trách nhiệm để xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Những khuyết điểm này có cả ở ủy viên Bộ Chính trị hay những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Riêng trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương và 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị.
Cũng trong số này, 18 người đã bị xử lý hình sự (một ủy viên Bộ Chính trị; 7 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Tất cả việc ấy tôi rất mong Trung ương thấy được để vừa rút kinh nghiệm, vừa khắc phục được khuyết điểm ấy. Vì khuyết điểm có phần từ việc bố trí cán bộ chưa đúng, chưa phù hợp.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay Trung ương và đại biểu nhiều lần đã nói, chọn cán bộ bao giờ cũng phải chú ý cả đức và tài. Trong đó, coi đức là gốc, không để những người cơ hội, có biểu hiện đánh bóng, tranh thủ chạy chọt vào bộ máy, nhất là vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Tôi thường nói cán bộ lãnh đạo nói chung, đặc biệt là lãnh đạo cao, đừng bao giờ “lấy người này làm việc khác” một cách không phù hợp. Công tác cán bộ nên hết sức dân chủ và nghiên cứu rộng rãi, không để sót người giỏi, có tài, có đức, có thực tế và được dân yêu quý.
Tôi tin rằng Trung ương sẽ giới thiệu nhân sự xứng đáng cho hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức. Và đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới sẽ quyết định thành quả của kế hoạch phát triển đất nước trong 5 năm tới cùng chặng đường sau đó, hướng tới những chiến lược, hoài bão và khát vọng vốn là mong ước của nhân dân.