Nhiều người dân ở 2 huyện Krông Pắk, Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vừa tố cáo về việc bị một phụ nữ tên Mai Thị Hằng Thương (ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Một trong những người bị thiệt hại nặng nhất là chị Đinh Thị Hằng (37 tuổi, ngụ xã Ea Tiêu). Ngày 11/1, Thương gặp chị Hằng, nói cần mượn gấp tiền để đáo hạn ngân hàng cho bố chồng.
“Do quen biết từ trước và cứ nghĩ Thương là một đại gia chuyên buôn bán đồ cổ nên khi bà ta đến vay tiền, tôi tin tưởng tuyệt đối, gom góp tất cả vốn liếng 810 triệu đồng cho mượn” - chị Hằng nhớ lại.
Sau lần mượn này, Thương gặp chị Hằng nói cần thêm tiền để đáo hạn, thẩm định lại hồ sơ… Không chút nghi ngờ, chị Hằng đi vay cho Thương mượn thêm 1,2 tỷ đồng. Đầu tháng 2/2015, Thương tiếp tục đến mượn tiền và một lần nữa, chị Hằng đi vay 500 triệu đồng.
“Phần lớn số tiền tôi đi vay mượn của anh em, bạn bè, giờ bán hết tài sản, gia đình trắng tay cũng không đủ trả cho họ” - chị Hằng bức xúc.
Bà Đặng Thị Lộc (51 tuổi, ngụ xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin) cũng là người tin tưởng tuyệt đối “đại gia đồ cổ”. Bà nhớ lại: “Để tạo niềm tin, khi mời tôi tới nhà chơi, Thương khoe cặp lư đồng cổ, nói có giá hàng chục tỷ đồng nhưng chưa gặp mối bán, chứ không thì mượn tiền của tôi làm gì. Thấy Thương có vẻ ăn nên làm ra, lại có cặp lư đồng quý nên tôi tin tưởng cho mượn 1 tỷ đồng”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy (47 tuổi, ngụ thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) đang phải trốn chui trốn nhủi do bị con nợ tới nhà hăm dọa. Bà Thủy đã đi mượn tiền cho Hằng vay 1,9 tỷ đồng. “Chúng tôi không chỉ bị chủ nợ hăm dọa. Khi biết chúng tôi tố cáo lên công an, Thương đã nhắn tin, gọi điện hăm dọa khiến chúng tôi vô cùng lo lắng” - bà Thủy buồn rầu.
Điều đáng nói là việc bà Thương lừa đảo xảy ra từ nhiều tháng qua nhưng không được cơ quan chức năng can thiệp. Theo lời bà Thủy, tháng 2/2015, bà đã gửi đơn tố cáo lên công an huyện Krông Pắk. Công an đã mời bà và Thương lên làm việc 3 lần nhưng sau đó trả hồ sơ, bảo bà lên công an tỉnh nộp chứ không chuyển lên theo quy định.
Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự công an tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đến thời điểm này, cơ quan công an đã tiếp nhận 7 đơn tố cáo với số tiền vay mượn có giấy tờ ký nhận là 6,87 tỷ đồng. Cơ quan công an đã gửi giấy triệu tập 3 lần nhưng bà Thương vẫn chưa lên làm việc. Theo xác nhận của chính quyền địa phương và người thân thì bà Thương đã rời khỏi nhà vào tháng 2/2015, hiện không rõ đi đâu.
Các nạn nhân vô cùng lo lắng vì trót tin lời “đại gia”. |
Lý giải vì sao chưa xử lý và không trả lời đơn tố cáo, đại tá Bôn cho rằng đã tiếp nhận một số đơn tố cáo vào tháng 3 và tháng 4/2015 nhưng vụ việc khá phức tạp, số tiền lớn, liên quan đến nhiều người nên cần rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, hiện những vụ việc vay mượn với số tiền lớn rồi tố cáo nhau lừa đảo xảy ra rất nhiều nên chưa xử lý được.
“Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ hoàn tất việc lấy lời khai của những người tố cáo rồi tiến hành xử lý” - đại tá Bôn khẳng định.