Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Một trong những luật được người dân đặc biệt quan tâm là Luật Cư trú (sửa đổi) với 7 chương, 38 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
Không cần mang nhiều loại giấy tờ khi làm thủ tục hành chính
Giới thiệu khái quát những điểm mới của luật, thiếu tướng Lê Quốc Hùng (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết luật sửa đổi thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Theo luật này, việc quản lý sẽ thực hiện bằng cách sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
“Việc đổi mới phương thức quản lý giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự”, thiếu tướng Hùng giải thích.
Và với sự thay đổi này, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục hành chính.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng (Thứ trưởng Bộ Công an). Ảnh: X.Đ. |
Đại diện Bộ Công an cho biết Luật Cư trú sửa đổi đã bỏ toàn bộ các thủ tục về: Cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu. Luật cũng sửa đổi, bổ sung các thủ tục: Tách sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú...
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết do sử dụng phương thức quản lý hiện đại, thời hạn giải quyết đăng ký thường trú cho công dân rút ngắn về cả thủ tục lẫn thời gian. “Nếu như hiện nay, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo luật mới tối đa là 7 ngày”, ông Hùng thông tin.
Trước băn khoăn về thời gian triển khai liệu có khả thi, thiếu tướng Lê Quốc Hùng khẳng định Bộ Công an đã có kế hoạch từ trước. Theo tính toán, Bộ Công an sẽ triển khai, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước 1/7/2021 - thời điểm luật Cư trú 2020 có hiệu lực.
“Hiện nay, tất cả lực lượng của Bộ Công an đang tập trung thu thập thông tin về dân cư và nỗ lực, phấn đấu kịp tiến độ trước thời điểm 1/7/2021”, ông Hùng nói.
Sau khi hoàn thành, cơ sở này sẽ được kết nối, chia sẻ với các cơ quan, tổ chức liên quan. Lúc đó, các giấy tờ hiện nay có thể sẽ được thay thế hết và thay vào đó là quản lý bằng điện tử, kỹ thuật số. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho rằng mọi việc đang đúng tiến độ, không có trở ngại.
Bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú ở TP trực thuộc Trung ương
Một điểm đáng chú ý khác là Luật Cư trú (sửa đổi) là đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Theo tướng Hùng, quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân và bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú dù có chỗ ở hợp pháp.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi cũng quy định công dân đến nơi khác để lao động, học tập... từ 30 ngày trở lên, phải đăng ký tạm trú. Thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 2 năm và có thể gia hạn nhiều lần.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc này.