Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sao Việt được tiếp đón như sao hạng A ở Cannes'

"Các thành viên trong đoàn VN đều được đối xử ngang bằng với các sao hạng A khác, cùng ở khách sạn Martinez, bước xuống máy bay có limousine đón, trước cửa khách sạn luôn có paparazzi", Trúc Diễm phản ứng trước ý kiến các sao Việt "chỉ đi bán rượu ở Cannes".

'Sao Việt được tiếp đón như sao hạng A ở Cannes'

"Các thành viên trong đoàn VN đều được đối xử ngang bằng với các sao hạng A khác, cùng ở khách sạn Martinez, bước xuống máy bay có limousine đón, trước cửa khách sạn luôn có paparazzi", Trúc Diễm phản ứng trước ý kiến các sao Việt "chỉ đi bán rượu ở Cannes".

Người Việt Nam thường ít tự tin về nhau

- Trong chuyến đi Cannes vừa qua, nhiều người xì xào rằng đoàn VN ít tham gia hoạt động nghệ thuật, mà đến Cannes chỉ vì được các nhãn hàng tài trợ?

- Mọi người đều có thắc mắc chung về những hoạt động chính của đoàn Việt Nam. Tôi có thể trả lời rằng chúng tôi tham dự thảm đỏ và buổi công chiếu của một trong những phim chính thức tranh giải Cành cọ vàng. Năm nay, đoàn xem phim Inside Llewyn Davis (Mỹ) của anh em nhà Coen. Phim này sau đó đã nhận Giải thưởng lớn của Cannes. Cuối cùng là góp mặt trong một buổi tiệc bên lề.

Đọc một vài bình luận của một vài người mà tôi thấy quá phiến diện và tiêu cực. Đừng nghĩ gì quá cao xa, ở tầm vĩ mô là phải có phim mang đi thi thì mới có quyền góp mặt. Đây mới chỉ là lần thứ 4 đoàn Việt Nam góp mặt, trong khi Cannes là một trong những liên hoan phim danh tiếng lâu đời nhất thế giới.

Đoàn Việt Nam trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes.

- Vậy ở Cannes, đoàn VN được đón nhận như thế nào khi không có bộ phim nào tham gia tranh giải?

- Lên thảm đỏ, từng thành viên trong đoàn được đọc tên, và được trân trọng giới thiệu đến từ quốc gia nào. Trong khu vực châu Á, Phạm Băng Băng đi liên tục 4-5 năm nay, ngày nào cũng xuất hiện, mà cô ấy có phim nào tham gia? Mọi người bảo rằng vì cô ấy đẹp. Tôi thấy rất buồn cười vì thực chất, Phạm Băng Băng cũng chỉ đi dưới sự tài trợ của một hãng nữ trang mà thôi. Nếu như không vì hãng nữ trang đó, thì làm gì có Phạm Băng Băng ở Cannes. Người Pháp đâu ai biết Phạm Băng Băng là ai.

Nếu đếm đầu người có phim tham gia tranh giải thì chắc chắn con số này rất nhỏ. Khán phòng công chiếu phim chính thức có vài ngàn chỗ, trong khi đại diện một phim tham dự là 5-7 nhân vật thì chúng ta hiểu con số những người “không liên quan” cũng bước trên thảm đỏ là như thế nào. Chưa kể những người không làm trong lĩnh vực điện ảnh, chẳng đóng một bộ phim nào như Justin Bieber, Alessandro Ambrossio, Liu Wen… họ là ca sĩ , người mẫu vẫn đến tham gia như thường.

Cannes mang tính xã hội hóa rất cao, và chính sự tham gia của các thương hiệu hàng đầu thế giới cũng như các ngôi sao đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau tạo nên một không khí Cannes rất hào nhoáng, lộng lẫy. Không nên đặt nặng vấn đề đến Cannes chỉ vì có nhãn hàng nữ trang hay rượu tài trợ. Dù gì thì các nhãn hàng cũng rất thiện chí khi mời các diễn viên tham gia mà không yêu cầu phải quảng bá sản phẩm của họ trực tiếp.

- Xem hình trên thảm đỏ, không ít người cảm thấy đoàn Việt Nam có phần bơ vơ, lạc lõng?

- Cả sao hạng A, B, C hay D, dù 1 người hay cả đoàn đều có đúng một khoảng thời gian nhất định để tạo dáng trên thảm đỏ. Nếu đứng lâu ngay lập tức sẽ bị đuổi, không cần phân biệt đẳng cấp hay mức độ nổi tiếng.

Thảm đỏ cũng chỉ vì quá nhiều người đến, mà chỉ dài vài chục mét, nên cứ vài bước chân là phải quay trái quay phải tạo dáng một lần. Không biết mọi người có hiểu hay không, nhưng mỗi khi khách mời tạo dáng, thì dàn phóng viên đứng phía sau sẽ không giương máy ảnh lên vì họ không thể chụp một tấm ảnh chỉ thấy lưng. Hơn nữa, mình đâu phải sao hạng A của Hollywood mà mong hàng trăm ống kính phải chĩa vào?

Nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì trong một vài bức ảnh chụp tôi cũng như các thành viên khác trong đoàn, thì phía sau lưng có một máy quay đang ghi lại những hình ảnh đó để truyền hình thực tiếp thẳng đến khán phòng phía bên trong như bất cứ ai.

Tôi không hiểu vì sao lại nói chúng tôi bị “ghẻ lạnh”, bị đối xử trong khi mọi người không có mặt ở đó. Bản thân tôi có một cảm nhận như thế này. Nếu như Việt Nam mong muốn được thế giới công nhận và trân trọng, thì trước tiên người Việt hãy đối xử với nhau như vậy trước đã. Đúng là đoàn đến Cannes lần này không phải là đại diện chính thức cho cả nước, mà chỉ đơn thuần là đoàn đến từ Việt Nam. Nhưng vì sao lại không nghĩ Oscar, Cannes hay những liên hoan phim quốc tế khác, người ta ít nói về phim mà tất cả các mặt báo đều dành rất nhiều đất cho các hình ảnh trên thảm đỏ? Có một câu mà mọi người hay nói khi đến đây là: “It’s all about the dress” – Tất cả mọi vấn đề đều nằm ở chiếc váy. Nên sải bước trên thảm đỏ cũng là một đặc quyền quá lớn.

"Nếu như Việt Nam mong muốn được thế giới công nhận và trân trọng, thì trước tiên người Việt hãy đối xử với nhau như vậy trước đã".

Thật buồn cười khi lên thảm đỏ để người ta biết mình mặc váy bao nhiêu tiền

- Ngoài những bộ váy được chuẩn bị sẵn tại Việt Nam, chị còn được những hỗ trợ nào khác tại Cannes?

- Tại Cannes, luôn có một đội gồm những stylist được chuẩn bị sẵn các nhãn hiệu thời trang, trang sức, mỹ phẩm hàng đầu thế giới để túc trực chăm sóc cho các celeb đến từ quốc tế. Nếu được mời, thậm chí là bạn không cần chuẩn bị gì, chỉ cần đến đó là họ sẽ lo từ A-Z. Tôi có nhận được lời mời này, và khi qua đấy họ cũng đưa ra rất nhiều váy đẹp.

Nhưng do Chung Thanh Phong đã chuẩn bị trước trang phục cho cả đoàn, tôi cũng quý cái tình và công sức của cậu ấy. Hơn nữa, mình là đại diện của Việt Nam, nếu được chú ý ở liên hoan phim thì ít nhất cũng nhờ một chiếc váy do chính nước mình làm ra. Mặc chiếc váy do một người Việt Nam thiết kế ít ra cũng gọi là sự trân trọng, yêu mến dành cho nước mình. Chứ không cần nhất thiết phải mặc áo dài mới nói lên được chuyện đó. Hơn nữa, mặc áo dài rất nhạy cảm, nếu lựa chọn không đúng sẽ trở nên phản cảm. Nên lựa chọn an toàn nhất vẫn là váy dạ hội.

- Và những đầu tư này khiến chị hài lòng?

- Tôi thấy mình không thể nào làm vừa lòng hết tất cả mọi người được. Trăm người mười ý. Ít nhất lần này, gu ăn mặc của Việt Nam rất tinh tế, tối giản. Thật ra đây cũng là lựa chọn an toàn, những gì mà tôi biết là mình có thể thể hiện tốt nhất với nó.

Nhưng tôi thấy các trang báo chính thống cũng đã khen trang phục lần này có sự tiến bộ, so với 3 lần trước thì cũng đã khá ổn. Nếu được như Phạm Băng Băng xuất hiện hằng ngày, tôi nhất định sẽ lựa chọn những trang phục mang phong cách khác nhau để gây ấn tượng. Còn đây xuất hiện đúng 1 lần thì chỉ có 1 lựa chọn, và tôi không muốn có sự xuất hiện quá táo bạo ngay trong dịp này. Và nên nhớ thêm bằng, đây cũng chỉ mới là lần thứ 4 chúng ta tham gia, tất cả không thể muốn gì là có được trong một thời gian ngắn.

- Chọn váy hàng hiệu, tiền tỷ có thể giúp chị nổi bật hơn?

- Tôi quan trọng là mình mặc phải đẹp, thoải mái, phù hợp với vóc dáng chứ không phải cứ váy có mác tiền tỷ thì khác lên người không suy nghĩ.

- Đơn cử như Lý Nhã Kỳ, chưa cần kể đẹp hay xấu, chỉ cần nhắc đến số tiền mà cô ấy bỏ ra để sở hữu bộ váy hàng hiệu cũng đã gây xôn xao?

- Váy của chị ấy 2 tỷ được quan tâm ở Việt Nam, chứ ở Cannes đâu có ai hỏi váy của Lý Nhã Kỳ bao nhiêu tiền? Tôi thấy cái hay của chị ấy là chị ấy chịu khó đầu tư cho hình ảnh lần này bằng cách mang ca nhiếp ảnh riêng từ Việt Nam sang, chụp hình tút tát thật lộng lẫy để gửi về nhà, chị ấy có tiền chị ấy đầu tư cho bản thân và hình ảnh của mình là tốt.

Tôi thấy tập tính thích sử dụng hàng hiệu của người châu Á vô hình chung xem cái mác cao hơn giá trị thật cùa món đồ. Chắc sẽ buồn cười lắm nếu đi lên thảm đỏ mà để mác áo ra ngoài để người ta biết mình đang mặc váy bao nhiêu tiền. Ngôi sao hạng A họ cũng không phải mua đồ mắc tiền, mà chủ yếu được các thương hiệu lớn trả tiền để để mặc.

"Chắc do năm nay hình ảnh trên thảm đỏ không có gì nhiều để nói, nên đến lượt trang phục dạo phố bị “để ý” chăng?"

- Nhưng hình ảnh thời trang của đoàn VN ở những hoạt động bên lề bị cho là thiếu sức sống, không có gu thẩm mỹ?

- Đó là những hoạt động bên lề, hay nói hẳn ra là hình lúc đoàn có thời gian nghỉ ngơi thăm quan chứ không nằm trong khuôn khổ liên hoan phim,  nên sự thoải mái là điều cần thiết, còn lộng lẫy đầm xòe, giày gót nhọn đi nhà thờ, đi du thuyền, đi dạo phố thì hơi quá, ăn mặc cũng nên phù hợp với hoàn cảnh.

Trang phục đi ngắm cảnh cũng bị phê bình sao? Không phải chúng tôi gửi về để mọi người phán xét gu thời trang. Chắc do năm nay hình ảnh trên thảm đỏ không có gì nhiều để nói, nên đến lượt trang phục dạo phố bị “để ý” chăng?

- Chị có bất ngờ và hụt hẫng trước những phản hồi không tích cực này, trong khi như chị nói là cả đoàn đã cố gắng đầu tư rất nhiều?

- Trước khi qua Cannes, tôi cũng như cả đoàn đều nhận thức được rằng mình phải cố gắng hết sức có thể. Mà thật ra, trong một trăm 1 ngàn ý kiến, cũng có nhiều lời khen. Tôi nghĩ cũng đừng nên nhìn theo hướng tiêu cực, mà hãy xem những nhận xét tích cực về sự thay đổi này.

Riêng việc bị phán xét, tôi quá quen thuộc rồi vì người Việt Nam trước giờ ít khi tự tin, đánh giá cao bản thân mình. Tại sao không mở lòng mình ra để hiểu vấn đề, mà chỉ nhìn hình rồi phán đoán? Tôi khẳng định, nếu đã đến Cannes thì không thể nào có chuyện đứng bên lề, hay người Việt Nam phải tự “dìm hàng” nhau như vậy? Ở Cannes, ở Paris đâu có ai đối xử với chúng tôi như thế.

- Còn trước những ý kiến ám chỉ các nghệ sĩ đi Cannes như “đường dây gái gọi” thì sao?

- Họ nói hay viết như vậy mà không sợ ảnh hưởng đến danh dự người khác sao? Chúng tôi sẽ không còn có thể im lặng mãi để bị ảnh hưởng như vậy. Mọi người cứ thử đặt mình vào thế đến Cannes để phải nhận những bình phẩm như vậy thì sẽ có cảm giác như thế nào? Tự dưng bị ép trở thành “gái gọi” thì sẽ ra sao?

- Chuyến đi này mang lại cho bản thân chị những gì?

- Thứ nhất, tôi hiểu được một liên hoan phim lớn nhất thế giới là như thế nào. Xem hình, xem clip sẽ không bao giờ có thể hiểu hết những vấn đề bên trong cho tới khi được đặt chân đến. Đây cũng là dịp để hiểu một ngôi sao được đối xử ra sao, và cũng để biết thêm khi ra quốc tế cần phải có cách ứng xử khác với trong nước ở những điểm gì.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để gặp gỡ với rất nhiều người làm phim trên khắp thế giới. Và khi được tiếp xúc với nhiều người như vậy, tôi sẽ có được những mối quan hệ. Nếu họ muốn tìm một diễn viên châu Á, họ có thể mời mình đến casting thì sao?

Thật sự là sau chuyến đến Cannes, bản thân tôi cũng đã có nhiều mối quan hệ tốt và đặc biệt. Nhưng khi họ đưa ra những lời mời, tôi có giới thiệu ban tổ chức cũng như người quản lý riêng, chứ không muốn tự mình thương lượng, để tránh trường hợp bị cho là “dễ dãi”. Hơn nữa, có một nguyên tắc là ra nước ngoài làm việc đều phải thông qua công ty quản lý.

Phương Giang

Theo Infonet

Phương Giang

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm