Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sao thế giới nhớ gì về Hà Nội?

Trong ngày 10/10, cùng nhìn lại thủ đô qua con mắt của những nhân vật nổi tiếng.

Nữ diễn viên Jane Fonda là ngôi sao Hollywood nổi tiếng nhất về sự gắn bó với Hà Nội. Bà từng bị nước Mỹ gọi là "kẻ phản bội" khi tới thăm Hà Nội trong cao điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam và ngồi trên mâm pháo. Bà viết về những ngày tháng đấu tranh quả cảm của nhân dân Hà Nội:

"Tôi nhớ như in hình ảnh của những nữ dân quân trên mái nhà máy của họ, khích lệ các chị em của họ bằng việc hát một ca khúc ca ngợi bầu trời xanh Việt Nam. Những người phụ nữ ấy, thanh lịch và lãng mạn, giọng hát đẹp đẽ, nhưng cũng là những người, mà khi máy bay Mỹ tới ném bom thành phố, trở thành những chiến binh dũng cảm. 

Tôi nhớ như in cái cách mà một người nông dân sơ tán khỏi Hà Nội, không đắn đo, đề nghị tôi, một người Mỹ, ngồi vào chỗ tốt nhất trong hầm tránh bom cá nhân khi những quả bom Mỹ đang tới gần". (1969)

Nhắc đến những năm tháng chiến tranh, không thể quên cảm nhận của thượng nghị sĩ John McCain, một vị khách của "Hilton Hanoi" - tên mà người Mỹ gọi nhà tù Hỏa Lò. Ông từng là phi công máy bay chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam. Ông kể lại thời khắc máy bay của mình bị bắn rơi xuống Hồ Trúc Bạch:

McCain thăm lại nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị giam giữ 5 năm.
McCain thăm lại nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị giam giữ 5 năm.

"Vài người lính phía Bắc bơi xuống và vớt tôi lên bờ hồ... Tất nhiên, đây là trung tâm thành phố, và một đám đông bao vây lấy tôi và họ bắt đầu chửi rủa, gào thét, nhổ nước bọt vào tôi và đá tôi.

Đúng lúc đó, một người đàn ông tiến đến và quát đám đông hãy để tôi yên. Một người phụ nữ đến xốc tôi lên và đưa một tách trà lên môi tôi".

Hà Nội không chỉ ghi đậm vào tâm trí những người phương Tây vì thời bom đạn. Anthony Bourdain, một trong những bếp trưởng nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới, lại ca ngợi không ngớt lời ẩm thực Hà Nội. Thậm chí, bếp trưởng này còn tuyên bố rằng ẩm thực Việt Nam là hình mẫu của thế giới.

"Chuyến đi đến Việt Nam lần đầu tiên (Hà Nội) đã thay đổi cuộc đời tôi. Có lẽ bởi vì nó quá mới mẻ và khác biệt so với cuộc đời tôi trước đó và thế giới tôi đã lớn lên. Đồ ăn, văn hóa, khung cảnh và mùi hương: chúng không thể tách rời nhau. Tôi tưởng như mình đang ở một hành tinh khác".

Anthony còn viết về văn hóa "Bia Hoi", một thứ mà ông cho là đặc sản tại Hà Nội và sự thân thiện của con người nơi đây.

"Tám hay chín người gì đó đang ngồi bên một chiếc bàn thấp trên những chiếc ghế nhựa tý hon bên ngoài một nơi trông giống như cái ga-ra cũ, với một cái keg lớn của Bia Hoi, thứ bia tươi sủi tăm huyền thoại trên lề đường. Bạn sẽ không tìm thấy thứ này ở Saigon. Bia được sản xuất hàng ngày, đưa đến các cửa hàng và tiêu thụ trong ngày....

Chúng tôi còn chưa kịp ngồi xuống, người chủ đã rót đầy hai cốc, và muốn tôi "dzô". Tôi tu cạn cốc, và chúng tôi làm thế hai lần nữa trước khi tôi ngồi xuống. Ông ta không biết tôi là ai. Không hề có camera đi theo. Ông ta chỉ biết tôi là một ông Tây có vẻ thích bia của mình và muốn tôi nếm thử xem nó ngon ra sao. Vợ ông ta khoe đứa con với chúng tôi, đang mặc trang phục ngày lễ. Một người Việt Nam già ngồi bên cạnh bàn tôi, đang hút thuốc bằng một cái điếu tre, mời tôi một cốc nữa và nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp".

Ngôi sao hành động Dương Tử Quỳnh, nữ diễn viên chính trong tập phim 007 nổi tiếng "Ngày mai không tàn lụi" thì nói về giao thông Hà Nội với vẻ rất sợ sệt.

"Tôi từng tham gia những cảnh quay rất nguy hiểm nhưng thú thực mà nói tôi không dám băng qua đường ở Hà Nội.

Tôi cảm thấy rất khó khăn khi đoàn làm phim yêu cầu tôi băng qua đường để bấm máy.

Về lý thuyết, theo chuẩn quốc tế thì đèn đỏ là dừng lại, đèn vàng là cẩn thận và chuẩn bị dừng lại, đèn xanh là đi. Nhưng ở đây mọi người có xu hướng tăng tốc khi đèn vàng".

Nhà báo Thomas Friedman, tác giả của “Thế giới phẳng” và chủ nhân của 2 giải Pulitzer viết về... chất lượng dịch vụ tại Hà Nội, trong một đoạn viết rất nổi tiếng của cuốn "Chiếc Lexus và cây ô-liu":

“...Tôi đến Hà Nội và dùng bữa tối ở khách sạn Metropole. Đó đang là mùa quýt ở Việt Nam và quýt tươi, vàng trông rất ngon được những người bán rong bày bán ở mọi góc phố. Mỗi buổi sáng tôi dùng một vài quả quýt cho bữa sáng. Khi người phục vụ đến hỏi tôi dùng gì cho bữa điểm tâm tôi nói với anh ta: tất cả thứ mà tôi muốn là một quả quýt. Anh ta đi ra và vài phút sau quay trở lại: "Xin lỗi ông, không có quýt". Tôi hơi cáu và hỏi lại "Sao lại thế được? Anh có một bàn đầy quýt cho bữa sáng vào mỗi sáng. Chắc chắn phải còn quýt trong bếp chứ ?".

"Xin lỗi", anh ta lắc đầu, "ông dùng dưa hấu được không?".

Tôi trả lời: "Thôi được, mang cho tôi ít dưa hấu".

5 phút sau, người phục vụ quay lại với một chiếc đĩa đựng 3 quả quýt đã bóc vỏ.

Anh ta nói: "Tôi tìm thấy quýt. Không có dưa hấu".

http://laodong.com.vn/the-gioi/60-nam-giai-phong-thu-do-cac-ngoi-sao-the-gioi-noi-gi-ve-ha-noi-255421.bld

Theo Phong Huyền/Báo Lao Động

Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm