Tại Trung Quốc, Thái Lệ Hoa được coi là biểu tượng của làng múa nước này. Tờ Ifeng miêu tả: “Có thể có người không biết đến tên Thái Lệ Hoa nhưng chắc chắn tất cả đều từng xem tiết mục do cô biểu diễn”.
Phần trình diễn Thiên thủ Quan Âm (Phật bà nghìn tay) trên sân khấu đài quốc gia Trung Quốc thu hút hơn một tỷ lượt xem. Đây được coi là tiết mục kinh điển trong ngành múa nước này, khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt.
Nhưng đằng sau sự thành công đó là hành trình khó tin của nghệ sĩ Thái Lệ Hoa.
Hình ảnh múa thành kinh điển của Thái Lệ Hoa. |
Tai họa ập đến
Thái Lệ Hoa sinh ra tại Hồ Bắc trong một gia đình bình thường. Khi còn rất nhỏ, cô đã thích nghe nhạc, nhảy múa. Cô thường đứng trước cha mẹ bập bẹ những câu non nớt: “Con múa đẹp không?”.
Chẳng ai ngờ, năm hai tuổi, Thái Lệ sốt cao kéo dài, bác sĩ phải tiêm thuốc liều cao. Hậu quả, từ lúc đó, tai cô bé hai tuổi bị nhiễm trùng và không còn khả năng nghe.
Một thời gian sau, Thái Lệ Hoa nhận ra sự khác biệt giữa mình và các bạn cùng trang lứa. Vì không thể nghe được, cô cũng mất dần tiếng nói, trở thành người câm điếc.
Thái Lệ Hoa bị câm điếc từ năm hai tuổi sau một trận sốt. |
Năm 7 tuổi, cha mẹ đưa cô tới học ở trường dành cho các bé khuyết tật. Điều vui nhất với Lệ Hoa là sự cảm nhận âm thanh bằng đôi mắt. “Tôi có thể nghe được thanh âm từ sàn nhà khi nhìn thấy những đôi chân đang nhún nhảy”, cô kể. Từ đó, Thái Lệ Hoa xin cha mẹ được học múa.
Trên sân khấu múa bấy giờ, cô bé 7 tuổi đã chập chững xuất hiện trong các tiết mục Hoa anh đào, Là người cho em tình thương. Năm 15 tuổi, Thái Lệ Hoa trở thành diễn viên múa tàn tật đầu tiên của đoàn nghệ thuật Trung Quốc.
“Lúc đó, nhiều người thấy cô bé nhỏ khiếm khuyết về cơ thể được vào đoàn đã là may mắn. Không ai đoán trước được cô thành công đến thế nào”, giáo viên Thái Lệ Hoa kể.
Diễn viên múa không cần nhạc
Đối với một nghệ sĩ múa, việc không thể nghe nhạc dường như là điều quá khó. Thái Lệ Hoa kể khi diễn Tước chi linh, cô tự giam mình trong phòng nửa tháng. Cô xoay tròn theo cảm nhận bản thân. Từ mấy vòng quay, cô đã xoay được hàng trăm vòng.
Phật bà nghìn tay trên sân khấu của Thái Lệ Hoa. |
Năm 2002, Thái Lệ Hoa trở thành đội trưởng đoàn múa dành cho những người tàn tật. Theo đoàn, cô diễn ở 16 quốc gia, tham gia bế mạc Olympic Athens dành cho người tàn tật.
Năm 2004, nhờ Thiên thủ Quan Âm, Thái Lệ Hoa trở thành bậc thầy trong làng nghệ thuật. Tiết mục được trình diễn rất nhiều lần và tạo hiệu ứng lớn. Chủ tịch Trung Quốc bấy giờ - ông Hồ Cẩm Đào - chủ động mở tiệc chúc mừng Thái Lệ Hoa.
“Với tôi, Lệ Hoa không những múa đẹp mà còn là người phụ nữ với tâm hồn đẹp. Tôi cũng chẳng có mong ước gì hơn là hy vọng tiếp tục được ngắm nhìn Thái Lệ Hoa trên sân khấu”, ông Hồ Cẩm Đào nói.
Truyền thông đánh giá cùng với Dương Lệ Bình, Thái Lệ Hoa là tượng đài thống trị giới vũ công.
Cô được chủ tịch Hồ Cẩm Đào khen ngợi, trở thành biểu tượng làng múa. |
“Lạc quan, tích cực, kiên cường, đó là tâm niệm sống cả đời của tôi”, Thái Lệ Hoa viết. Cô luôn tâm sự về chuyện không tìm những điều phù phiếm, chỉ mong thấy chân tình trong cuộc sống. Do vậy, cô từng từ chối làm vợ đại gia.
Trong lần đến Malaysia biểu diễn Tước chi linh, Thái Lệ Hoa khiến một doanh nhân Hoa kiều say đắm. Anh này theo đuổi cô trong 8 năm nhưng không nhận được cái gật đầu của người đẹp.
Năm 1995, cô gặp người đàn ông gắn bó sau này với mình - nhà giáo Lý Xuân. Hai người họ vừa gặp đã nảy sinh tình cảm. Nhưng Lệ Hoa là người cẩn trọng. Họ yêu nhau 7 năm mới quyết định tiến đến hôn nhân.
Cô bỏ qua đại gia để chọn cuộc sống yên bình bên một người đàn ông bình thường. |