Theo Space.com, sự giao hội thực sự (điểm mà các hành tinh gần nhau nhất trên bầu trời) xảy ra vào 1h05 sáng 13/11 (giờ bờ Đông nước Mỹ). Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết vào thời điểm này, 2 hành tinh chỉ ở cách nhau khoảng 0,3 độ, tức chưa đầy một nửa đường kính của trăng tròn.
Nếu trời quang thì người quan sát có thể theo dõi hiện tượng này bằng mắt thường trong khoảng 3 đến 4 tiếng trước khi Mặt Trời mọc. Với kính thiên văn, người xem còn có thể nhìn thấy 4 vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc.
Trăng lưỡi liềm (trái), Sao Kim (ở giữa, phía dưới) và Sao Mộc (phải) xuất hiện trên bầu trời Manhattan, New York, Mỹ, ngày 1/12/2008. Ảnh: AFP/Getty. |
"Bạn sẽ phải nhìn xuống chân trời phía đông-đông nam khoảng 45 phút trước khi Mặt Trời mọc", Jane Houston Jones thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết. Nhà khoa học này cũng khuyến nghị người xem bảo vệ mắt và tránh hướng ống nhòm hoặc kính thiên văn vào Mặt Trời.
Các chuyên gia cho biết 2 hành tinh sẽ nằm gần như chồng lên nhau ở gần sát đường chân trời, tạo thành một ngôi sao kép tỏa sáng khi quan sát từ Trái Đất. Người xem ở Bắc bán cầu sẽ có góc quan sát hiện tượng này tốt nhất.
Dù xuất hiện gần sát nhau trên bầu trời trong khi giao hội nhưng thực tế 2 hành tinh vẫn cách nhau hàng triệu km trong không gian.
TIME cho biết những lần giao hội tương tự từng xảy ra vào năm 2015, 2016 và 2008, khi trăng lưỡi liềm xuất hiện gần 2 hành tinh tạo thành bộ ba hiếm có.